Để khép lại một năm hoạt động đầy sôi nổi của chiến dịch “Không khí sạch, bầu trời xanh", CHANGE đã cho ra mắt bộ ảnh phóng sự “Chuyện Ngày Xám” (Humans of Air Pollution) với 12 câu chuyện chia sẻ góc nhìn về hiện trạng ô nhiễm không khí (ONKK) của những người dân đang sinh sống tại TPHCM và Hà Nội.
Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra, ONKK là nguyên nhân chính cho những ca tử vong sớm, gây ra cái chết của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.
Một khảo sát của CHANGE với 20.000 ý kiến trên toàn quốc về ONKK cho thấy 75% cảm thấy không hài lòng với chất lượng không khí (CLKK) tại khu vực mình sinh sống, 18% ý kiến cho rằng nên áp dụng hình thức thu phí khí thải đối với các phương tiện giao thông.
Cụ thể, người dân mong muốn CLKK cần được quản lý hiệu quả hơn, cần phải có các biện pháp như thu phí khí thải đối với các ngành công nghiệp nặng như sắt, thép, xi măng, nhiệt điện, hoá chất… và thắt chặt tiêu chuẩn phát thải để cải thiện tình trạng không khí.
“Tôi hay bán khoai, bán bắp ngay góc đường này, khói bụi thì mù mịt, tại đoạn đường này đang sửa chữa mà xe qua lại cũng đông. Biết là nó hại, tôi ho cả tháng nay rồi, nhưng nhờ xe qua, xe lại đông vậy mà lại bán được, lo đủ cho 3 miệng người ăn. Thôi thì chuyện sức khỏe cứ tới đâu hay tới đó, miễn sao tôi đủ tiền cho con tôi đi học... ”, một người bán hàng rong tại khu vực quận 9, TP.HCM chia sẻ.
Rapper Đinh Tiến Đạt tâm sự, “Trồng cây quanh nhà, lắp máy lọc không khí, hạn chế ra ngoài, hạn chế mở cửa sổ, đó đều là những biện pháp mà mỗi người đều có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và gia đình, tuy nhiên đó đều không phải là giải pháp tốt nhất. Tôi thấy nếu gia đình tôi đang chịu ảnh hưởng một thì những người điều kiện sống thấp hơn sẽ phải chịu ảnh hưởng gấp trăm lần”.
Tại Hà Nội, vào mỗi cuối tuần, những bạn trẻ thuộc nhóm Xanh Hà Nội vẫn đang cần mẫn trồng cây xanh tại các khu sinh hoạt cộng đồng với ước mơ phủ xanh thành phố. Trong suốt 2 năm hoạt động, Xanh Hà Nội đã trồng được hơn 1,500 cây xanh và đang ấp ủ dự định mở rộng mô hình “phủ xanh đô thị” ra các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Ninh, TPHCM.
Tại TPHCM, một nhóm sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật có tên gọi khá ấn tượng – “Bitpo” với sản phẩm màng chắn bằng tảo và diệp lục để giảm thiểu khí CO2 từ ống pô xe máy. Dự án này nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn nhờ tính khả thi, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường...