Không nên dùng rượu, cồn hạ sốt cho trẻ

Khi trẻ sốt cao, nhiều phụ huynh lại hoảng loạn tìm mọi cách để hạ sốt kể cả theo kinh nghiệm dân gian mà không kịp xem xét, tìm hiểu phương pháp đó có đúng hay không. Chính điều này gây hại rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

Ví như một trường hợp của cậu bé người Trung Quốc đã qua đời vào ngày 14/6/2015 vì ngộ độc methanol sau khi bố mẹ em dùng cồn để lau người hạ sốt cho con mình. Do từng đọc thấy thông tin cồn có thể giúp hạ sốt cơ thể, bố cậu bé là anh Chang đã mang một chai methanol, một chất cồn công nghiệp từ công ty về và lau vào nách con.

Tuy nhiên, chỉ vài chục phút sau đó, cậu bé lịm dần đi. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, Xiao Dong đã không qua khỏi do ngộ độc methanol.

Hạ sốt bằng rượu hay cồn cho trẻ sẽ gây phản tác dụng, ảnh hưởng lớn tới trẻ. Ảnh: minh họa

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp cha mẹ do thiếu hiểu biết đã sử dụng rượu và cồn để hạ sốt cho trẻ. Và để tìm hiểu rõ hơn về tác hại của việc sử dụng cồn và rượu hạ sốt cho trẻ chúng tôi đã có trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y học Cổ truyền Quân đội.

Theo bác sĩ Lân, không phải cha mẹ nào cũng có đủ kinh nghiệm để xử lý đúng khi trẻ sốt cao, vì vậy không ít phụ huynh hoảng loạn và tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ, kể cả nghe theo những kinh nghiệm dân gian mà không kịp xem xét, tìm hiểu phương pháp đó có đúng và phù hợp với con hay không. Đặc biệt việc dùng rượu hoặc cồn để hạ sốt cho con là phương pháp cực kỳ sai lầm.

Bác sĩ Lân cho hay: “Việc dùng cồn hoặc rượu để hạ sốt cho trẻ sẽ gây nguy hiểm rất lớn đến trẻ. Thứ nhất, cồn và rượu là hai thứ dễ cháy, nếu sử dụng chúng để lau người, hạ sốt cho trẻ và vô tình bắt lửa thì lúc này trẻ dễ bị bỏng do khó dập tắt ngay.

Thứ hai, việc dùng rượu và cồn để hạ sốt sẽ gây phản tác dụng. Khi trẻ đang sốt mà ta dùng cồn hoặc rượu để lau người dễ gây lạnh, khiến các thành mạch co lại và sẽ khiến nhiệt độ trong người trẻ tiếp tục tăng cao hơn lúc trước. Khi trẻ bị sốt nhưng hạ sốt sai cách dễ dẫn đến tổn thương não do co giật vì sốt cao.

Ngoài ra, còn một điều lưu ý đó là trong rượu hoặc cồn có thể chứa một số chất phụ gia gây hại… có thể thấm qua da khiến trẻ bị ngộ độc.

Bên cạnh việc dùng cồn hoặc rượu hạ sốt cho trẻ, nhiều mẹ còn sử dụng một số phương pháp dân gian khác như chườm đá lạnh, khăn lạnh, cạo gió, nặn máu độc…. tuy nhiên theo bác sĩ Lân những cách này cũng gây phản tác dụng.

“Cách tốt nhất để hạ sốt cho trẻ khi chưa kịp đưa trẻ đến các cơ sở y tế là dùng nước nóng già để lau người cho trẻ. Một điều lưu ý đối với cha mẹ khi dùng nước nóng già để lau người cho trẻ thì phải kiểm tra độ nóng của nước, tránh nước quá nóng sẽ gây bỏng cho trẻ. Ngay sau đó cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn”, bác sĩ Lân khuyến cáo.

Lưu ý cách hạ sốt cho trẻ hiệu quả

Để tránh những sai lầm đáng tiếc khi chăm sóc trẻ sốt cao, các mẹ cần bình tĩnh chủ động tìm hiểu nguyên nhân cũng như tiến hành các bước hạ sốt phù hợp cho trẻ sau đây:

Để trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, không ủ ấm, không cởi hết đồ của trẻ.

Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng, tránh gió.

Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Tránh dùng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn.

Cho trẻ uống nhiều nước và các dung dịch khác như sữa, nước trái cây, dung dịch nước biển khô.

Cần theo dõi nhiệt độ trẻ bằng nhiệt kế sau mỗi 4 giờ.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng.

PV (tổng hợp)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top