Theo các chuyên gia, lợn bị tiêm thuốc an thần sẽ gây độc cho người ăn phải sau đó. Vì thế, người tiêu dùng không mua thịt lợn có màu đỏ sẫm.
Từ thuốc an thần đến long mồm lở móng
Trước thông tin Cục Cảnh sát Môi trường C49, Bộ Công an vừa phát hiện khoảng 4.000 con lợn (heo) bị tiêm thuốc an thần Combistress trước khi giết mổ tại cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM), ThS Lê Thế Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lợn Thụy Phương, Viện Chăn nuôi cho biết, thuốc Conbistress là một trong những loại thuốc an thần, hay nói cách khác đó cũng là một loại hóa chất.
Người ăn phải thịt lợn có tồn dư thuốc sẽ bị tác động tới thần kinh, trong đó có thể gây buồn ngủ; bụng dạ khó chịu như bị tiêu chảy, đau bụng… Đặc biệt là thuốc ở liều cao có thể gây ra tình trạng kháng thuốc thần kinh ở người. Nguy hiểm hơn là thuốc sẽ ảnh hưởng hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, nhất là nguy cơ ảnh hưởng đến thận rất cao, vì đây là bộ phận chịu trách nhiệm lọc cho cơ thể người.
Ở góc độ thông tin có khoảng 1.000 con bị lở mồm long móng sau mấy ngày được đề xuất tiêu hủy, ThS Lê Thế Tuấn cho rằng, thuốc an thần thường không gây bệnh này. Nhưng có hai nguyên nhân có thể dẫn đến cả nghìn con lợn bị như trên.
Thứ nhất, lợn đã ủ bệnh trước đó. Bởi để ủ bệnh này cần khoảng 5 ngày mới phát ra ngoài, trong khi theo số liệu trên truyền thông thì lợn được giữ ít nhất 4 ngày ở đây. Nên sau mấy ngày chưa mổ lợn mới bị phát bệnh.
Thứ hai, do bệnh lây nhiễm nên khi nhốt chung một chuồng hàng nghìn con nên bệnh sẽ lây cho nhau. Do đó, sau mấy ngày, cả nghìn con lợn bị bệnh là điều dễ hiểu. “Khi lợn bị bệnh lở mồm long móng cần phải tiêu hủy để tránh lây nhiễm. Do lợn sốt cao lên đến 41 – 42oC, mõm và rìa tai, chân sưng tấy, nặng hơn thì thịt bị rò rỉ nước…”, ThS Lê Thế Tuấn cho hay.
Lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ.
Không mua thịt lơn màu đỏ sậm, mùi tanh
TS Nguyễn Quế Côi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương cũng cho rằng, điều quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và thuốc cho gia cầm nói chung và lợn nói riêng là cần
sự làm việc nghiêm túc của các cơ quan chức năng. Tránh tình trạng làm không hết trách nhiệm, bỏ lọt các trường hợp cần xử lý dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ người dân.
Với người dân khi đi chợ, ngoài việc nên mua thịt lợn ở điểm quen, chất lượng tin cậy thì cũng nên chú ý về màu sắc. Ví dụ như không chọn thịt lợn màu trắng nhợt, vì đó là lợn bệnh hoặc đã để lâu dần đến ôi hỏng, biến đổi chất. Đặc biệt là cũng không nên chọn thịt lợn màu đỏ sẫm.
“Thịt lợn giống ngoại hiện nay do lớn nhanh, cơ phát triển nhanh nên thịt thường hồng nhạt. Nếu thịt màu đỏ đậm là thịt lợn già, ăn sẽ dai hoặc lợn đủ tuổi nhưng cho ăn nhiều thức ăn hoặc tiêm thuốc tăng trọng, sử dụng thuốc an thần.
Không nên mua thịt lợn đỏ sẫm. Ảnh minh họa.
Hiện chỉ có thịt lợn rừng, lợn ỉn giống cũ của nước ta mới có màu đỏ tươi. Do đó, khi ra chợ thì nên chọn mua thịt lợn có màu hồng nhạt nhưng nhìn thấy tươi”, TS Nguyễn Quế Côi chia sẻ.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khuyên, khi mua thịt lợn cũng nên ngửi. Nếu thịt có mùi tanh bất thường thì không mua. Bởi thịt lợn này đã cho ăn tăng trọng hoặc sử dụng hormon nên sẽ có mùi tanh kể cả tươi lẫn khi nấu lên, nhất là hơi khi nấu xộc lên tanh có thể gây buồn nôn.
Việc chần thịt lợn này qua nước nóng trước khi nấu có thể giảm tanh, nhưng không thể loại bỏ hóa chất trong đó nên ăn vẫn độc. Trường hợp gặp thịt lợn tanh, tốt nhất nên bỏ đi để an toàn.
“Thịt lợn màu đỏ sẫm có thể là lợn bị bệnh có sốt cao. Bởi thân nhiệt lợn thường chỉ 39oC khi sốt cao, thịt sẽ bị đỏ. Lúc này, mầm bệnh trong lợn vẫn có thể ảnh hưởng sức khoẻ người ăn” – ThS Lê Thế Tuấn.
Thu Hiền