Khi lao động trong môi trường có khói, bụi, cần đeo khẩu trang và các thiết bị bảo hộ lao động để tránh những bệnh về đường hô hấp mạn tính nguy hiểm.
Bác Trần Văn Lực, 50 tuổi (Ninh Bình) làm nghề điêu khắc chế tác đá mỹ nghệ. Hàng ngày bác Lực làm việc trong môi trường bụi khói mù mịt của bột đá. Đặc biệt, gần đây dùng máy chạm cắt đá công suất lớn khiến bột đá bắn xa, môi trường ô nhiễm hơn. Hàng ngày bác Lực cũng đeo khẩu trang, nhưng phần vì lười, phần vì muốn cởi ra cho dễ thở. Gần đây bác Lực hay bị ho, khạc đờm nhiều, người mệt mỏi khó thở, đờm đặc màu vàng, có khi lẫn ít máu trong đờm. Đi khám bệnh, bác sĩ cho biết bị viêm phế quản cấp và nghi giãn phế quản.
Lời bàn: BS Nguyễn Lan Hương, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Hưng Việt cảnh báo, những người làm việc trong điều kiện bụi bặm, lao động nặng nhọc, không có các trang thiết bị phòng hộ hay mắc phải viêm phế quản. Hiện nay đã có nhiều thuốc kháng sinh điều trị bệnh này cho kết quả tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng và tốn kém trong điều trị. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh bị đi bị lại nhiều lần sẽ dẫn đến viêm phế quản mạn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rất khó chữa. Qua trường hợp bác Lực, khi lao động trong môi trường có khói, bụi, cần đeo khẩu trang và các thiết bị bảo hộ lao động để tránh những bệnh về đường hô hấp mạn tính nguy hiểm.
TV