Ông là Tạ Văn Chung 73 tuổi, nguyên phó Tổng giám đốc Tổng công ty (TCT) Giấy Việt Nam (VN) hiện ở khu tập thể Công ty Lâm nghiệp, thị trấn Phù Ninh, Phú Thọ.
Ông Chung (thứ hai phải) với bạn bè cơ quan, ông khỏe nhờ chăm đi lại.
Hạn chế ngồi xếp chân gầm bàn
Tốt nghiệp đại học ngành Lâm nghiệp ở nước bạn Liên Xô (cũ) năm 1967, chàng trai dáng thư sinh đất Tổ được phân công về làm việc tại công ty nguyên liệu Giấy Vĩnh Phú trực thuộc TCT Giấy VN ngay trên đất quê nhà. Được giao nhiệm vụ lập kế hoạch trồng, chăm sóc hàng năm cho các lâm trường nhưng ông ít ngồi làm việc ở văn phòng mà dành nhiều thời gian tiếp cận từng hiện trường trồng rừng, nhanh chóng nắm bắt đặc điểm thổ nhưỡng, độ màu mỡ của từng lô, khoảnh đất trồng khác nhau, từ đó đề xuất loại cây và mật độ trồng thích hợp.
Mỗi lâm trường quản lý cả nghìn héc-ta đất rừng, cách xa nhau từ hàng chục đến hàng trăm cây số trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp nhưng mỗi tuần ông đến các lâm trường một lần không chỉ nắm tình hình thực hiện kế hoạch trồng rừng mà còn theo dõi tốc độ sinh khối của từng lô sau mỗi đợt chăm sóc… Sau 3 năm, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và được đề bạt phó trưởng phòng rồi trưởng phòng kế hoạch công ty.
Từ khi là phó Tổng giám đốc TCT Giấy VN cho đến khi nghỉ hưu, ông vẫn giữ nguyên tác phong làm việc sâu sát, luôn bám sát cơ sở và được cán bộ công nhân yêu mến. Ông chia sẻ: “Khi tinh thần thoải mái thì sẽ tạo ra được ý thức làm việc tự giác và đạt được hiệu quả cao”.
Giữ chế độ tập luyện, ăn uống phù hợp
Nghỉ hưu về địa phương, ông tham gia hội Người cao tuổi, là tổ trưởng tổ hưu trí cơ quan. Ông tâm sự: “Khi còn làm việc có điều kiện chăm đi lại vận động, rèn luyện thể chất và tinh thần thoải mái thì lúc về hưu cũng chưa nên ngơi nghỉ mà phải chủ động thích ứng với môi trường mới để tham gia các hoạt động phù hợp. Vì vậy, ngoài thời gian dành cho công tác xã hội, ông tìm đến câu lạc bộ dưỡng sinh khu dân cư, tham gia thành lập đội bóng chuyền hơi duy trì tập luyện vào các buổi chiều và đi bộ vào buổi sáng, buổi tối.
Ông bà có 4 người con thì 2 người sinh sống làm việc ở Phú Thọ, 2 người sinh sống làm việc ở Hà Nội nên hàng tháng, ông có điều kiện đi lại “du lịch” từ Phú Thọ về Hà Nội thăm nom con cháu và gặp gỡ giao lưu thăm hỏi bạn bè đồng nghiệp ở cơ quan cũ. “Đó cũng là cơ hội để duy trì được thói quen chăm đi lại chứ nếu cứ quẩn quanh ru rú một chỗ mãi, chắc sẽ buồn lắm”, ông chia sẻ.
Ông cho biết, vườn rau khoảng 50 mét vuông trước cửa nhà được ông bà chăm chút cấy trồng mùa nào thức nấy, không chỉ đủ rau sạch cho con cháu ở Phú Thọ mà còn gửi về cho con cháu ở Hà Nội và đó cũng là nơi để ông bà giữ được thú vui lao động mỗi ngày.
Khúc Văn Quý (Hai Bà Trưng, Hà Nội)