Khỏe để chu toàn mọi việc

là đại tá quân đội Nguyễn Cảnh Hoành 75 tuổi và vợ là bà Nguyễn Thị Lệ Chắt 69 tuổi hiện sinh sống ở số 23 phố Thanh Yên, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chăm rèn luyện tạo nền tảng sức khỏe

Năm 1965, chàng trai Nguyễn Cảnh Hoành gia nhập quân đội sau gần 2 năm làm việc tại xí nghiệp cơ điện ở địa phương và được biên chế vào E36 (tiền thân là E Bắc Bắc – gồm quân của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) thuộc F308 – Sư đoàn Quân Tiên phong của quân đội ta.

Ông bà bên cây Duối cổ ở Sơn Dương.

Ở bộ phận quân báo bộ binh trực thuộc trung đoàn nên ai cũng gắng sức kiên trì khổ luyện. Do thích tập thể dục và chơi thể thao từ khi còn học phổ thông và được duy trì trong những năm làm công nhân nên chàng lính trẻ dễ dàng vượt qua những bài tập, kể cả những bài võ đối kháng đa dạng theo những tình huống giả định khi lâm trận đụng độ ngoài ý muốn với địch.

Ông chia sẻ, trung đoàn của ông thường cơ động khắp mặt trận. Vừa phối hợp với nước bạn Lào đánh những trận then chốt đã lại “thần tốc” về đánh trận quyết định giải phóng Quảng Trị. Để đảm bảo cho đơn vị đánh trúng vào “yết hầu” của địch đòi hỏi lực lượng quân báo phải bám được “thắt lưng” địch, kè kè bên địch như hình với bóng nắm diễn biến từng giờ nên phải có sức khỏe dẻo dai bền bỉ.

Vui khỏe khi cùng nhau làm việc “hàng tổng”

Nghỉ hưu với quân hàm đại tá, ông nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường liên tục 3 khóa đến nay.

Ông tâm sự: “Tôi cũng muốn nghỉ ngơi để anh em khác làm nhưng hội viên cứ tín nhiệm mình bởi họ thấy mình làm có vẻ cũng…được. Bà ấy nhà tôi sau khi nghỉ hưu cũng đã làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường liên tục 4 khóa đến nay, chỉ sợ khi hai vợ chồng bận việc họp hành mà xao nhãng việc nhà thì không hay nhưng chúng tôi biết hỗ trợ giúp nhau nên mọi việc đều trơn tru suôn sẻ”.

Làm công tác xã hội không như trong quân đội hay cơ quan doanh nghiệp bởi đây là công tác quần chúng đòi hỏi phải mềm mỏng và kiên trì thuyết phục vận động. Có những việc phải đi lại đến từng nhà tuyên truyền giải thích mấy lần họ mới thông, như công tác vệ sinh phòng dịch, phun thuốc diệt muỗi, phòng ngừa diệt bọ gậy…

Bà góp thêm: “Làm việc xã hội đòi hỏi cũng phải có sức khỏe do phải đi lại nhiều nên cũng tốt bởi luôn được vận động. Nhiều khi hai vợ chồng tôi cùng đến gia đình có chồng là hội viên Hội Cựu chiến binh và vợ là hội viên Hội Chữ thập đỏ, rôm rả chuyện nhà chuyện phố một lúc là công việc đã được giải quyết xong nên rất vui”.

Bận việc “hàng tổng” nhưng ông bà vẫn không quên việc nhà, chăm lo ăn uống theo thực đơn cho bản thân và phụ giúp 5 người con chăm sóc 7 đứa cháu.

Ông bà cũng dành thời gian bên nhau tập thể dục dưỡng sinh bên Hồ Gươm vào buổi sáng và mỗi tối đi bộ dọc theo bờ sông Hồng. Một năm ông bà có 3-4 lần đi tham quan du lịch vừa để thăm thú cảnh quan đất nước, di tích lịch sử và cũng để kiểm chứng sức khỏe, “lắng nghe” cơ thể mình mà đưa ra chế độ ăn uống, tập luyện cho phù hợp.

Cẩm Yên (Hà Nội)

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top