Ngày 6/4, một gia đình ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội khi đang khoan giếng nước ngầm, thì bất ngờ cả giàn khoan và một cây lộc vừng bị sụt xuống. Hố sụt rộng lớn hiện đang được lấp lại.
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, khoan giếng nước ngầm là một trong những nguyên nhân chính tác động gây nên hố tử thần. Trước đó, các hố tử thần đã từng xảy ra ở nhiều xã như: Đồng Quang, Ngọc Mỹ, Yên Sơn (huyện Quốc Oai), An Tiến, Hùng Tiến, Hợp Thanh, Lê Thanh, Xuy Xá, Hợp Tiến, An Mỹ, Phúc Lâm… (huyện Mỹ Đức). Đặc điểm chung của những vụ sụt lún phần lớn đều xuất phát trong quá trình khoan giếng khai thác nước dưới đất.
Hố tử thần trên địa bàn xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Tây Nam Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều đá vôi, hoạt động karst ngầm. Đây là quá trình hòa tan của đá, tạo nên các hệ thống hang động có hình dạng và kích thước khác nhau, phân bố ở những độ sâu khác nhau trong lòng đất. Khi khoan giếng sẽ tạo rung chấn trong khi hoạt động, đặc biệt khi khoan vào lớp đá nứt nẻ phía trên hang, kết hợp với việc mất nước trong lỗ khoan làm sập thành lỗ khoan và sập trần hang. Hiện tượng này xảy ra tại khu vực xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ khi nhóm thợ khoan thì khi khoan tới độ sâu 42m, thì gặp lớp đá cứng, do mũi khoan sử dụng không phải là mũi khoan đá nên sau 20 phút không khoan được và hiện tượng sụt đất bắt đầu xảy ra.
Việc khai thác nước dưới đất tràn lan gây suy thoái chất lượng nguồn nước, sụt lún nền đất và gây tác động đến hang karst ngầm gây sụt lún. Để khắc phục tình trạng đó, người dân khu vực này cần hạn chế tối đa việc khoan giếng. Trong trường hợp phải khoan giếng, cần thiết phải áp dụng khoa học kỹ thuật hợp lý, với sự tư vấn của các nhà khoa học, các cơ quan có thẩm quyền.