Khoa học sức khỏe để chăm sóc ngay khi chưa có bệnh

Việt Nam cần một hành trình xây dựng Khoa học Sức khỏe để sẵn sàng đối đầu với các vấn đề y tế cấp bách trong thời gian sắp tới.

Phóng viên Khoa học và Đời sống đã có cuộc trò chuyện đầu Xuân với GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành y học, Trưởng Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM về nền tảng cho hành trình xây dựng Khoa học Sức khỏe trong tương lai.

gs-phuoc.jpg
GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y học, Trưởng khoa Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM. 

Covid-19 lật đổ lòng tự kiêu của y học thế giới

Từ góc độ chuyên gia y tế, ông suy nghĩ như thế nào về đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 là một “dịp” rất đặc biệt. Căn bệnh gây ra rất nhiều đau khổ, nhiều chết chóc và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt cho tới chuyện kinh doanh, giao thương kể cả sự kiện thể thao văn hóa trên toàn cầu.

Riêng đối với y khoa, Covid-19 là một thách thức vào lòng “tự cao tự đại” của y khoa thế giới. Nhiều quốc gia tự hào có nền y học hiện đại như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản hay các nước châu Âu… nhưng khi đại dịch xảy ra, các nước đều lúng túng, khó khăn, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 rất đáng kể.

Vì vậy, Covid-19 là thời điểm cho thế giới nói chung, ngành y học nói riêng phải xem xét lại mình để có những hướng đi mới trong tương lai đề phòng các dịch bệnh mới nổi.

corona.jpg
SARS-CoV-2 đã làm đảo lộn cả thế giới.

Riêng với Việt Nam, qua đại dịch, chúng ta đúc kết được những kinh nghiệm như thế nào?

Trong tổng kết những sự kiện tiêu biểu liên quan đến Covid-19 của TPHCM, chúng ta có thể nhìn thấy một số đúc kết như cần xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo dịch bệnh, triển khai xét nghiệm; phối hợp giữa kỹ thuật RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện và nhanh chóng dập dịch.

Bên cạnh đó là chiến lược chăm sóc F0 theo 2 trụ cột: Dựa vào cộng đồng và dựa vào bệnh viện. Bên cạnh phát triển mô hình trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà là triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa chuyển viện.

Một khía cạnh không thể thiếu trong phòng, chống dịch, giảm tải cho bệnh viện chính là củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng…

covid.jpg
Bên cạnh phát triển mô hình trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà là triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, hạn chế chuyển viện.

Công nghệ thông tin, văcxin ngừa Covid-19, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, công tác chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng một cách hiệu quả…

Như vậy, để chăm sóc sức khỏe cũng như chống lại dịch bệnh cần sự liên kết của rất nhiều ngành?

Đó là những manh mối kết nối của một tương lai phát triển khoa học sức khỏe.

Nói đến khám bệnh - chữa bệnh là chưa đủ

Khái niệm khoa học sức khỏe khác gì với “Y - Dược” mà chúng ta vẫn thường quen thuộc, thưa ông?

Đối với một bệnh tật của con người, y học hiện nay nghiên cứu đó là bệnh gì, cơ chế bệnh, diễn tiến, điều trị ra làm sao và nghĩ ra các loại thuốc, phương pháp điều trị căn bệnh đó...

Y khoa trên thế giới hiện còn phát triển theo hai hướng khác nữa và ngày càng phát triển, đan xen với nhau.

Một hướng càng ngày càng đi sâu vào sinh học phân tử, trong tế bào để tìm hiểu cơ chế ở mức độ tế bào, gene di truyền, tín hiệu tế bào nào…

Sinh học phân tử, gene, tế bào gốc… phát triển ngày càng mạnh, đem lại nhiều thay đổi cho y khoa.

y-te-co-so.jpg
Mạng lưới y tế cơ sở tốt sẽ giúp giảm kéo tỷ lệ bệnh nặng và tỷ lệ tử vong không chỉ vì đại dịch Covid-19 mà còn rất nhiều loại bệnh khác xuống rất nhiều lần.

Một hướng khác, con người nằm trong một xã hội và cộng đồng rất rộng lớn. Bệnh tật hoặc điều trị cũng phải nằm trong quy luật đó. Người ta phải nghiên cứu tới vấn đề dịch tễ học, cộng đồng, liên quan đến cách sống…

Đó chính là sự phát triển của các chuyên ngành rất lớn của y học cộng đồng, y tế công cộng, tổ chức y tế và y tế dự phòng.

Khoa học sức khỏe là một ngành học tương đối mới?

Khoa học sức khỏe xuất hiện vào đầu Thế kỷ 21 và ngày càng phổ biến. Vì chuyên ngành khoa học sức khỏe tập trung vào việc ứng dụng kiến thức khoa học vào các vấn đề thực tế của cuộc sống, nên nó đòi hỏi một cách tiếp cận thực tế, thực hành.

Nếu chúng ta chỉ nói đến vấn đề khám bệnh - chữa bệnh là chưa đủ. Các kiến thức sinh học phân tử, gene, tế bào… sẽ gợi mở cho chúng ta rất nhiều hướng trong chẩn đoán và điều trị bệnh một cách hiệu quả hơn vì các nhà khoa học tìm ra cơ chế sinh bệnh ở cấp độ tế bào, gene di truyền.

Chăm sóc bệnh nhân tim mạch không chỉ trong bệnh viện mà chúng ta cần phải chăm sóc mọi người ngay khi chưa có bệnh, phát hiện các yếu tố nguy cơ, ung thư, đái tháo đường… từ khi còn rất trẻ, dự phòng bệnh từ khi còn nhỏ. Trong phát hiện và phòng ngừa bệnh từ rất sớm đó, y tế cộng đồng được chú trọng.

Trên thế giới, người ta rất chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu của cái được gọi là mạng lưới y tế cơ sở.

y-te-co-so-1.jpg
Trên thế giới, người ta rất chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu của cái được gọi là mạng lưới y tế cơ sở.

Qua đại dịch Covid-19, chúng ta có thể thấy rõ mạng lưới y tế cơ sở của chúng ta còn nhiều yếu kém?

Mặc dù theo một thống kê của Bộ Y tế, hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường, trong đó riêng tuyến xã, phường có hơn 11.000 trạm y tế xã. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, các bệnh viện lớn quá tải, y tế phường xã gần như thiếu và yếu cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Nếu chúng ta có mạng lưới y tế cơ sở tốt sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng và tỷ lệ tử vong không chỉ vì đại dịch Covid-19 mà còn các loại bệnh khác xuống nhiều lần.

Ở các nước, đây là mô hình được triển khai từ rất lâu, nhằm chăm sóc sức khỏe cho những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Các bác sĩ muốn lấy chứng chỉ hành nghề phải có một thời gian nhất định xuống những nơi này. Vì vậy, các trạm y tế cơ sở hay y tế lưu động luôn có bác sĩ với trình độ “khá” đủ để chẩn đoán và điều trị bệnh.

thay-va-tro(1).jpg
Hành trình xây dựng Khoa học Sức khỏe trong tương lai hướng tới mở rộng y tế cộng đồng, phát triển chuyên sâu sinh học phân tử cùng với khám và điều trị bệnh hiệu quả. 

Để trở thành một Đại học Khoa học Sức khỏe, chúng ta đã có gì và thiếu những gì?

Chúng ta có từng chuyên ngành trong lĩnh vực sức khỏe phát triển rất mạnh như Y - Dược - Nha - Y học Cổ truyền - Điều dưỡng - Y tế Công cộng - Tâm lý… Tất cả đều phục vụ cho chăm sóc sức khỏe.

Đại học Khoa học Sức khỏe gồm nhiều trường đại học nhỏ như Đại học Y, Đại học Dược, Đại học Nha, Đại học Y học Cổ truyền, Kỹ thuật Y khoa, Quản lý Bệnh viện, Đào tạo Điều dưỡng… liên kết với nhau. Khoa Y của Đại học Quốc gia là viên gạch đầu tiên cho hành trình xây dựng Đại học Khoa học Sức khỏe của Đại học Quốc gia với tầm nhìn 2021 - 2030 trong một Đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Các lĩnh vực khác cũng quan hệ ngày càng mật thiết với khoa học sức khỏe như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch, xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo, phát huy hiệu quả của công nghệ tư vấn, sàng lọc từ xa…

Hay như vật liệu mới của Đại học Bách khoa, nghiên cứu sinh học từ Đại học Tự nhiên, Tâm lý học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… Một trong những modules tự chọn cho sinh viên khoa Y năm cuối, chúng tôi sẽ xây dựng khoảng 6 tuần cho sinh viên tìm hiểu Luật trong chăm sóc sức khỏe.

Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!

Theo Đời sống
back to top