Yêu cầu bức thiết phải xây dựng một hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đồng bộ, toàn diện
Bức tranh về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở nước ta đang đặt ra nhiều thách thức ở cả ba cấp độ cá nhân, gia đình và xã hội.
Theo kết quả khảo sát có tới 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp, 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60 - 69 đang tiếp tục làm việc; 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất: tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%; chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người mắc 3 bệnh, 67,2% người có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Vì vậy, tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi).
Hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình. Điều này phản ánh một thực tế là tuy sống thọ nhưng không đồng nghĩa với khỏe mạnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của nhóm người này.
Hiện nay, cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành chăm sóc cho người cao tuổi - Bệnh viện Lão khoa T.Ư. Ở các tỉnh, theo thống kê mới nhất, chỉ khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa lão khoa, chủ yếu tập trung ở tỉnh có dân số đông. Rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa thành lập được khoa lão khoa.
Ngành công tác xã hội với các loạt hình dịch vụ chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn thiếu đồng bộ, kinh phí thực hiện khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng đủ nhu cầu, số lượng bác sỹ, điều dưỡng học chuyên về ngành lão khoa còn thiếu... vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi cũng như khám tư vấn chuyên sâu tại cộng đồng chưa thực hiện tốt;…
Trong khi đó, với người già, sức khỏe và khuyết tật ở tuổi trên 60 chiếm tới 43,28%, họ gặp ít nhất một loại khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày tăng từ 28% ở người 60 - 69 tuổi lên hơn 50% ở người trên 80 tuổi. Trung bình số năm đau ốm là 7,3 năm (10% của tuổi thọ).
Vì vậy, công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi là đặc biệt quan trọng giúp họ có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Yêu cầu bức thiết phải xây dựng một hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đồng bộ, toàn diện ngay từ bây giờ. Nếu không, các vấn đề già hóa dân số sẽ là gánh nặng cho kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và cả tương lai.
Nhiều chính sách và phúc lợi cho người cao tuổi
Ở nước ta quan tâm đến người cao tuổi là một trong những trọng tâm chính sách của được Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều nhấn mạnh đến việc thực hiện các chính sách xã hội đối với người già, quan tâm thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân và các nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có nhóm người cao tuổi. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh "Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số".
Với mục tiêu đảm bảo hệ thống chính sách xã hội và phúc lợi cho nhóm người cao tuổi ngày càng được cải thiện bao phủ đối tượng hưởng và tăng mức hưởng.
Thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phù hợp đảm bảo quyền và cơ hội tiếp cận cả về vật chất và tinh thần. Bao trùm chính sách xã hội cho người cao tuổi đều nhấn mạnh đến công tác và bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe đối với Người cao tuổi bao hàm cả lĩnh vực sức khoẻ, việc làm, văn hóa, thể thao, du lịch; lĩnh vực giao thông cũng như xây dựng và quản lý hiệu quả quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi...
Ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Chương trình đưa ra nhiều chỉ tiêu quan trọng và bao phủ, trong đó đáng kể đến các chỉ tiêu như 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025; 85% năm 2030; Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030;
Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...) đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030; 100% năm 2030; Số xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, có ít nhất 01 đội tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt 50% năm 2025; 90% năm 2030. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian tới.