Khi nào cắt dính thắng lưỡi cho trẻ?

Không có thời điểm lý tưởng để cắt thắng lưỡi cho trẻ, trẻ sinh ra bị dính thắng lưỡi nặng ảnh hưởng chức năng bú sữa thì cắt càng sớm càng tốt.

Hỏi: Bé nhà tôi mới sinh bị dính thắng lưỡi tôi rất lo lắng không biết khi nào có thể cắt thắng lưỡi. Bị dính ít không cắt có ảnh hưởng gì không?

Nguyễn Thị Huyền (Hà Nội)

Dính thắng lưỡi ở trẻ mổ càng sớm càng tốt

Dính thắng lưỡi ở trẻ mổ càng sớm càng tốt

Trả lời: Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh không nguy hiểm nhưng khiến trẻ khó bú, khó ăn, chậm nói, nói ngọng,... Đây là dị tật bẩm sinh nên không thể phòng tránh. Không có thời điểm lý tưởng để cắt thắng lưỡi cho trẻ, trẻ sinh ra bị dính thắng lưỡi nặng ảnh hưởng chức năng bú sữa thì cắt càng sớm càng tốt cho trẻ.

Thông thường trẻ từ 2-3 tháng tuổi trở lên, khỏe mạnh là có thể tiến hành cắt thắng lưỡi. Thông thường chỉ định cắt thắng lưỡi (cắt phanh lưỡi) phụ thuộc vào tình trạng bị dính nhiều hay ít và mức độ ảnh hưởng đến cử động lưỡi, quá trình phát âm, bú mẹ của trẻ.

Trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi nhiều và ảnh hưởng đến việc bú thì cần cắt sớm, khi dính thắng lưỡi gây ảnh hưởng đến việc phát âm thì cần cắt trước giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt thăm khám và đánh giá mức độ ngắn hãm lưỡi để xác định có cần phải can thiệp phẫu thuật hay không.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (vài tháng tuổi): do vùng hãm lưỡi thường có rất ít dây thần kinh và mạch máu nên thủ thuật thường không gây đau, do đó, thường được thực hiện dưới gây tê tại chỗ, việc gây mê được thực hiện ở trẻ ngắn hãm lưỡi mức độ nặng, cần phải chỉnh hình hãm lưỡi.

Đối với trẻ lớn (trên 1 tuổi): Thường sẽ phải gây mê do trẻ không hợp tác sẽ mất khoảng 5 - 15 phút để hoàn tất quá trình phẫu thuật. Quy trình phẫu thuật đơn giản, hầu như không mất máu.

Bác sĩ sẽ sử dụng kéo mổ, dao điện hoặc dao laser để giải phóng phần hãm lưỡi bị ngắn, do đó, trẻ sẽ có vết trắng tại vùng hãm lưỡi, vết này sẽ hết sau vài ngày và không ảnh hưởng đến quá trình ăn uống của trẻ.

BS Vương Thu Thảo (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)

Theo Đời sống
back to top