Kẽ hở kê khai tài sản của người có quyền hạn, chức vụ

Để tránh cán bộ nghỉ hưu sở hữu khối tài sản “khủng”, không rõ nguồn gốc, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề xuất Ban PCTN, tiêu cực ở Trung ương nên thành lập riêng Ủy ban chuyên trách để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng, về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan hành vi nhận 35 tỷ đồng để “chạy án”. Thông tin đáng chú ý, khi khám xét 2 nơi ở của ông Ca, cơ quan chức năng tạm giữ nhiều tài sản là tiền, vàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Đỗ Hữu Ca cùng vợ là Vũ Thị Lộc và các cá nhân khác, sổ tiết kiệm...

Trước đó, nhiều cựu quan chức bị bắt cũng khiến dư luận xôn xao về khối tài sản lớn như ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Trần Đình Thành, cựu Bí thư Đồng Nai hay ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch TP Hạ Long (Quảng Ninh)...

Từ những vụ việc trên, một vấn đề đặt ra là quản lý tài sản của cán bộ, công chức, nhất là người có chức vụ, thậm chí cán bộ đã nghỉ hưu. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trao đổi với PV Khoa học và Đời sống xung quanh vấn đề trên.

Căn nhà ông Đỗ Hữu Ca ở quận Hải An, TP Hải Phòng

Căn nhà ông Đỗ Hữu Ca ở quận Hải An, TP Hải Phòng

Tài sản “khủng” ở đâu ra?

Từ khối tài sản “khủng” của ông Đỗ Hữu Ca cho thấy điều gì, thưa đại biểu?

Vụ việc ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng, khiến người dân quan tâm, không chỉ bởi khi về hưu vẫn nhận 35 tỷ đồng, hứa “chạy án”, mà còn ở việc ông Ca sở hữu khối tài sản lớn.

Ông Ca và vợ khai, có số tài sản này nhờ tiết kiệm từ lương, bố mẹ để lại, quà lễ, tết của các đơn vị và kinh doanh dự án, bất động sản của vợ chồng ông. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn, nếu làm nhiều tiền cũng phải có kê khai hàng tháng thuế thu nhập cá nhân, cơ quan thuế phải biết. Do đó, tài sản rất bất minh nhưng việc xử lý số tài sản này hiện lại khó khăn. Cơ quan điều tra xác định, những tài sản trên không liên quan hành vi phạm tội của ông Ca và các bị can trong vụ án.

Tôi cho rằng, việc cơ quan điều tra tách hành vi không kê khai nộp thuế thu nhập của ông Ca và vợ để làm rõ việc không thực hiện kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân về các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản liên quan khối tài sản trên là cần thiết, đồng thời phải làm rõ nguồn gốc số tài sản đó.

Không chỉ vụ việc ông Đỗ Hữu Ca, trước đó, nhiều cựu quan chức cũng bị cơ quan chức năng chỉ ra sở hữu nhiều tài sản giá trị, cho thấy có kẽ hở, lỗ hổng trong kê khai tài sản của người có quyền hạn, chức vụ?

Thời gian qua, nhiều cử tri phản ánh, cũng như các đại biểu Quốc hội phản biện, cho thấy, công tác kê khai, xác minh tài sản còn nhiều lỗ hổng, nhất là đối với cán bộ có chức, quyền, làm việc trong cơ quan dễ phát sinh nhận quà biếu, hối lộ. Khi kê khai tài sản, họ không báo cáo tổ chức, cấp thẩm quyền và cũng không ai biết.

Khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng khám xét, phát hiện nhiều tài sản của bị can, bị cáo nhưng rất khó xử lý tài sản. Bởi, có người đứng tên, nhưng cũng có trường hợp nhờ người khác đứng tên. Thậm chí, số tài sản đó không liên quan vụ án. Theo tôi, kê khai tài sản trong thời gian qua có rất nhiều kẽ hở, lỗ hổng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Giải pháp bịt kẽ hở trong kê khai tài sản

Hiện nay, quy định về kê khai xác minh tài sản khá chặt chẽ. Tuy nhiên, việc xác minh tính trung thực, chính xác của tài sản người kê khai chưa chặt chẽ?

Việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng nội dung kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Cán bộ, công chức, viên chức… đều phải thực hiện.

Quy định hiện nay là hàng năm bốc thăm ngẫu nhiên không dưới 10% xác minh tài sản công chức, viên chức. Điều này khiến ai cũng có thể lọt vào danh sách xác minh bản kê khai, nên trước hết phải trung thực, minh bạch. Ngoài ra, nếu phát hiện hành vi sai phạm, cán bộ có nghi ngờ thông qua đơn tố cáo, tố giác, cũng xác minh, thẩm tra, thẩm định kê khai tài sản.

Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ, không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, những người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, mà còn phải kê khai của cả vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

Người có nghĩa vụ kê khai mà không trung thực, tùy theo tính chất, mức độ, mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý bằng một trong những hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm. Tùy mức độ của hành vi, công chức kê khai tài sản của người thân không trung thực có thể bị xử lý nặng nhất là buộc thôi việc.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có những cán bộ kê khai không đúng sự thật như trường hợp ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Đồng thời, cho thấy, bên cạnh việc kê khai tài sản, việc xác minh tính trung thực của người kê khai rất quan trọng.

Muốn làm được điều này, cơ quan, đơn vị, cán bộ phụ trách đi xác minh tài sản, thu nhập cán bộ phải thực sự liêm khiết. Bởi, chỉ cần lệch lạc, bỏ sót kê khai tài sản hoặc móc nối, cấu kết không kiến nghị xử lý... sẽ không mang lại hiệu quả. Do đó, cần kịp thời ngăn ngừa, phát hiện xử lý hành vi vi phạm, khuyết điểm đối với người có nghĩa vụ kê khai và cả người thực hiện kê khai, xác minh tài sản cán bộ.

Để kiểm soát tài sản cán bộ cần phải có cơ chế kiểm soát, nên chăng thành lập cơ quan chuyên trách về xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và công khai kết quả, xác minh tài sản của cán bộ chủ chốt để người dân biết, giám sát?

Tôi rất đồng tình việc thành lập cơ quan chuyên trách về xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Đồng thời, việc kê khai, xác minh tài sản của cán bộ chủ chốt cần được thông tin công khai để người dân giám sát.

Tôi nghĩ rằng, Ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương nên thành lập riêng một Ủy ban chuyên trách để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Các thành viên trong ủy ban chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thay thế cơ quan thanh tra trong xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Có cơ quan chuyên biệt sẽ hiệu quả hơn, chức năng chuyên ngành cụ thể hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên.

6 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

Đầu năm 2024, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2023, có 328.766 người kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ. Trong số này, 8.574 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập. Sáu người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Các cơ quan liên quan cũng kiểm tra việc kê khai, công khai tài sản thu nhập với 3.446 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với công tác kiểm soát tài sản và thu nhập, cơ quan thanh tra của Chính phủ cho hay, năm 2024 tiếp tục xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, giai đoạn từ ngày 8/2/2022 đến 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã xác minh tài sản, thu nhập 13.093 người; phát hiện 2.664 người có sai sót về kê khai tài sản sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…. Đặc biệt, các cơ quan xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top