Huyết tương đục như sữa vì... nghiện rượu

Vừa qua, Trung tâm y tế Thanh Sơn (Phú Thọ) đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân H.V.I (44 tuổi, trú tại Yên Lập) bị viêm tụy cấp mức độ nặng do tăng Triglyceride máu.

Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng mệt mỏi và đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy hình ảnh viêm tụy cấp phù nề, xét nghiệm men tụy tăng cao.

Đáng chú ý, mức độ triglyceride của bệnh nhân lúc vào viện là 106 mmol/l, gấp hơn 50 lần so với chỉ số bình thường. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và chống độc đã chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp.

Ngay lập tức, người bệnh được thiết lập đường truyền Catheter tĩnh mạch trung tâm để truyền dịch tích cực, giảm đau và hạ mỡ máu bằng insulin tĩnh mạch liều 0.3 UI/kg/h liên tục.

Sau 3 ngày điều trị, hiện tại người bệnh đã hết đau bụng, mức độ mỡ máu về giới hạn cho phép, người bệnh bắt đầu ăn lại bằng đường miệng.

Mỡ máu của bệnh nhân tăng gấp 50 lần Ảnh: Trung tâm cung cấp

Mỡ máu của bệnh nhân tăng gấp 50 lần Ảnh: Trung tâm cung cấp

Theo BS CKI Mai Giang Nam – Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và chống độc cho biết, viêm tụy cấp do tăng mỡ máu gặp khoảng 30-35% trong tổng số bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện. Với mức triglyceride >5.6 mmol/L bệnh nhân có nguy cơ bị viêm tụy cấp, nếu triglyceride >11.3 mmol/L nguy cơ mắc viêm tụy cấp là 5%, tỷ lệ này tăng lên 10-20% khi mức triglyceride > 22.6 mmol/l.

Các nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp thường gặp do sỏi mật, uống nhiều rượu bia, tăng mỡ máu. Lượng cồn trong máu cao khiến tuyến tụy làm việc liên tục để tăng sản xuất enzym, bên cạnh đó còn làm tăng tính thấm của ống tụy. Men tụy tiếp xúc với nhu mô tụy nhiều hơn dẫn đến tình trạng tự tiêu các tế bào tụy, khởi phát quá trình viêm tụy cấp. Trong trường hợp người bệnh có tình trạng tăng triglyceride máu (thường vượt quá 1000mg/dL), các hạt dưỡng chấp (các phân tử có thành phần lipid) sẽ xuất hiện thường xuyên trong các mao mạch gây tắc nghẽn các mao mạch ở tụy, dẫn đến viêm tụy, thiếu máu gây hoại tử tụy và nhiễm trùng.

Viêm tụy cấp nếu không được điều trị dứt điểm sẽ có nguy cơ tiến triển thành viêm tụy mạn tính và các biến chứng nguy hiểm: nang giả tụy (túi phình chứa một lượng dịch tụy bị rò rỉ ra khỏi tuyến tụy), ung thư tuyến tụy, đái tháo đường,…

Để phòng ngừa viêm tụy cấp, bác sĩ Nam khuyến cáo người dân nên hạn chế uống rượu bia, thức uống có cồn; ăn uống khoa học, vệ sinh với chế độ ăn giảm tinh bột, hạn chế chất béo bão hòa, tăng cường nhiều rau xanh trái cây, luyện tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, thừa cân béo phì, mỡ máu, sỏi mật,… nên khám định kỳ để quản lý tốt bệnh nền, tránh để biến chứng gây viêm tụy cấp.

Theo Đời sống
Những ai nên hạn chế đi bộ?

Những ai nên hạn chế đi bộ?

Mặc dù đi bộ là an toàn và phù hợp với tất cả mọi người, nhưng những người có tình trạng bệnh lý hoặc hạn chế về thể chất nhất định nên đề phòng hoặc tránh đi bộ trong một số trường hợp nhất định.
back to top