Thời gian có thể kéo dài 6 -7 tiếng
TS Nguyễn Huy Cảnh, Phụ trách Phó chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người nhiều năm thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ cho hay, nhiều người nghĩ hút mỡ chỉ đơn giản là đưa ống vào hút ra lớp mỡ trong cơ thể là được. Thực tế, hút mỡ cũng cần khám, làm các xét nghiệm tương tự như các phẫu thuật khác, tùy vào các vùng hút mỡ nhỏ hay lớn sẽ có chỉ định gây mê hay gây tê.
TS.BS Nguyễn Huy Cảnh khám và tư vấn cho bệnh nhân về hút mỡ bụng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh Trần Hải.
Để hút mỡ, các phẫu thuật viên sẽ dùng lưỡi dao chích các lỗ nhỏ đưa ống hút có kích thước khoảng 0,5cm vào vùng chỉ định. Ví dụ hút mỡ bụng nhiều nhất có 4 lỗ hút, ít nhất 2 lỗ. Các đầu hút đưa vào có nhiều hình dạng, dài ngắn tùy thuộc từng vùng. Như vùng bụng, ống hút dài khoảng 25-30cm, vùng cằm ngắn hơn.
Tiếp đến, bơm dung dịch dành riêng cho hút mỡ thông qua ống hút. Dung dịch này có tác dụng làm tan tế bào mỡ và co mạch máu, hạn chế tổn thương và chảy máu. Trong khi chờ dịch có tác dụng các bác sĩ có thể dùng các máy hỗ trợ để đánh tan mỡ như sóng cao tần RF, laser, sóng siêu âm. Khi mỡ đã tan, quá trình hút sẽ nhanh, dễ dàng hơn cũng như ít tổn thương mạch máu.
“Có những ca chỉ hút vùng nhỏ, thời gian có thể chỉ 30 phút là xong. Nhưng hút những vùng lớn hay nhiều vùng thời gian có thể kéo dài vài tiếng, thậm chí 7-8 tiếng/ca. Tuy nhiên quá trình làm, tay nghề bác sĩ quyết định nhiều yếu tố. Như, ngoài xử lý biến chứng còn hút đều tay tránh lồi lõm, cao thấp hay vị trí hút đúng để không quá sâu hay quá nông dẫn đến hoại tử da”, TS.BS Nguyễn Huy Cảnh nói.
Không phải hút bao nhiêu mỡ cũng được!
Đó là khẳng định của chuyên gia khi nhiều người muốn hút thật nhiều mỡ để gầy đi, dáng thon gọn, rõ đường cong hơn. Thực tế, hút mỡ cũng có giới hạn, những người béo, có khối mỡ dày chưa chắc đã hút được nhiều.
Đa số những phần mỡ dày là tế bào mỡ trương lên, dày ra và số lượng phân chia tăng sinh. Khi hút mỡ sẽ giảm khối lượng mỡ. Nhưng sau đó, nếu không có chế độ ăn và luyện tập sẽ gặp tình trạng bù lại tế bào mỡ đã mất đi, trương lên và dày lại. Do đó, hút mỡ chỉ xem là điều trị ngọn.
TS Nguyễn Huy Cảnh phân tích, khuyến cáo trong hút mỡ không nên hút quá 4-5% trọng lượng cơ thể. Có nghĩa, một người 60kg không nên hút quá 3-4 lít mỡ. Mỡ là nơi dự trữ năng lượng, hút nhiều quá có thể gây ra rối loạn chuyển hoá của cơ thể. Nếu hút khoảng 1,5 lít trở xuống, các chỉ số sinh hóa không thay đổi. Hút trên 3 lít chắc chắn sẽ ảnh hưởng.
Bởi, quá trình làm có thể làm tổn thương mạch máu, khi hút mỡ ra sẽ có lẫn máu. Hay bơm lượng dịch làm tan mỡ thì dịch của tế bào cũng sẽ vào đó và bị hút ra. Do đó hút nhiều mỡ đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ mất nhiều dịch, thiếu máu, các chỉ số sinh hóa thay đổi, khối lượng tuần hoàn giảm…
Đặc biệt, hút mỡ là điều trị giảm khối lượng mỡ bị tích ở các vùng khác nhau. Muốn giảm khối lượng mỡ thì bản thân khối mỡ đó phải dày. Vì thế những người như mới sinh dậy, bụng sồ sề, to nhưng chưa chắc mỡ đã dày,hút mỡ cũng không hiệu quả. Người có các bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao… cũng khuyến cáo không hút mỡ. Riêng người bị bệnh lý béo phì, cần phẫu thuật hút mỡ nhưng bị các bệnh trên thì cần kiểm soát tốt mới có thể thực hiện.
Sau khi hút mỡ xong, 3 ngày đầu chưa nên tắm rửa để tránh nước vào các lỗ gây viêm nhiễm. Cũng trong 4-6 ngày đầu không nên vận động mạnh. Để hạn chế tụ dịch, cần dùng băng ép trong khoảng 6 tuần. Giá thành hút mỡ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tùy thuộc vào khối lượng mỡ, từng vùng… Trung bình, vùng bụng khoảng 7 triệu, tay và cằm khó hơn khoảng 7-10 triệu…
Thu Hiền