Dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ số ca mắc và tử vong vẫn cao mà số người tái nhiễm ngày càng được công bố nhiều. Sau ca tái nhiễm ở Hồng Kông (Trung Quốc) với chủng mới thì châu Âu cũng ghi nhận có 2 trường hợp từng khỏi bệnh Covid-19 và dương tính trở lại với virus sau một thời gian. Trường hợp đầu tiên là ca tái nhiễm bệnh ở Hà Lan, trường hợp thứ 2 ở là Bỉ.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, cần phải phân biệt tái nhiễm virus SARS-CoV-2 và tái dương tính. Tái nhiễm là bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm lại bệnh lần thứ 2. Còn tái dương tính là bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính rồi lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính sau đó.
Trong những trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm Realtime-PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã âm tính nhiều lần, thầy thuốc phải chỉ định làm nhiều lần xét nghiệm, phối hợp các xét nghiệm khác như xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus… tổng hợp cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ khác để khẳng định bệnh nhân chưa khỏi hoặc xác nhận bệnh nhân đã khỏi bệnh, tái dương tính hay tái nhiễm.
Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm virus là khi bệnh nhân đó từng mắc Covid-19 đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh sau một thời gian dài sạch virus rồi bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại - tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.
Hiện trên thế giới mới chỉ ghi nhận vài ca tái nhiễm đầu tiên, nên chưa có dữ liệu để trả lời câu hỏi: Người tái nhiễm có khả năng lây lan virus cao hay thấp? Tuy nhiên, từ thực tế điều trị, rất nhiều bệnh sau khi nhiễm virus lần đầu có thể có miễn dịch lâu bền bảo vệ cơ thể không bị tái nhiễm hoặc khi nhiễm lần sau sẽ nhẹ hơn. Nhưng cũng có những trường hợp tạo miễn dịch rất yếu và ngắn nên những lần nhiễm sau cũng không khác nhiễm lần đầu. Cá biệt có những bệnh như sốt xuất huyết, khi tái nhiễm một thứ type khác do phản ứng miễn dịch quá mức lại làm bệnh nặng lên rất nhiều.
Vì vậy, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m... vẫn là các biện pháp hiệu quả phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Y tế mong muốn cộng đồng cùng hưởng ứng chiến dịch "Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang", bằng cách:
1/ Thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đến nơi công cộng, đi trên các phương tiện giao thông, khi tới nơi đông người, đến cơ sở y tế và vệ sinh khẩu trang vải hằng ngày; thải bỏ, thu gom khẩu trang y tế đúng nơi quy định.
2/ Chụp một vài bức ảnh thật đẹp khi bạn đeo khẩu trang phòng dịch và chia sẻ ngay với bạn bè trên trang cá nhân Facebook, Instagram, Zalo, Twitter và thay ảnh đại diện cùng viết hashtag #Banvandepkhideokhautrang, #Boyte, #Niemtinchienthang.