Hong Kong gánh chịu sự cố từ việc chậm điều chỉnh chiến lược chống dịch

Hong Kong (Trung Quốc) đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 nặng nề nhất kể từ đầu đại dịch đến nay. Trong vài tuần, nhiều thi thể chất đống tại các bệnh viện vì các nhà xác của toàn đặc khu không còn sức chứa. Người bệnh gọi xe cấp cứu đôi khi phải chờ đợi tới một ngày do các bệnh viện quá tải và 1/3 số tài xế xe cứu thương Hong Kong có kết quả dương tính Covid-19 đang phải cách ly.

Trước đó, bằng chiến lược "Không Covid" gồm xét nghiệm hàng loạt, truy viết tiếp xúc, đóng cửa biên giới và kiểm dịch nghiêm ngặt, Hong Kong giữ số ca nhiễm và tử vong ở mức rất thấp trong gần 2 năm.

Cách tiếp cận này hiệu quả hồi đầu đại dịch, nhưng theo các chuyên gia, nó khiến giới chức tự mãn, không tận dụng thời điểm Covid-19 tạm suy yếu để củng cố hệ thống y tế, tăng cường quy mô, công suất bệnh viện cho một đợt bùng phát được dự báo trước. Kết quả, các đơn vị chăm sóc sức khỏe gần như sụp đổ.

Khi phần lớn thế giới chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19, đẩy mạnh điều trị F0 tại nhà nhằm giải tỏa áp lực cho y bác sĩ, Hong Kong vẫn trung thành với chiến lược bắt buộc nhập viện tất cả người mắc Covid-19 dù triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Hiện các ca nhiễm tại Hong Kong gần như đều là Omicron, cụ thể là dòng BA.2. Biến chủng phụ này có khả năng lây truyền cao hơn 30% so với phiên bản Omicron ban đầu.

Ngay cả khi số ca tử vong gia tăng, giới chức vẫn chậm chạp trong việc điều chỉnh chiến lược, kiên định cách ly tập trung người tiếp xúc gần F0 trong tối đa 3 tuần tại cơ sở công lập.

Những tuần gần đây, Hong Kong công bố kế hoạch xét nghiệm đại trà và chạy đua xây dựng thêm cơ sở cách ly. Điều này khiến các chuyên gia y tế công cộng lo ngại. Họ cho rằng lúc này, giới chức nên tập trung cứu sống người đã mắc bệnh, chuyển nghiêm trọng thay vì sa đà vào cách ly ca nghi nhiễm.

Thêm vào đó, sau gần một năm kể từ khi triển khai văcxin, Hong Kong tiêm chủng đầy đủ cho 55% dân số trên 70 tuổi và 26% dân số trên 80 tuổi. 

Kết quả, nhóm trên 70 tuổi trở thành lỗ hổng của hệ thống y tế, tỷ lệ chuyển nặng và nhập viện cao, tạo gánh nặng cho các bệnh viện vốn đã quá tải.

Từng là hình mẫu chống dịch, Hong Kong giờ đây trở thành bài học cảnh giác, gợi lại những ngày đầu đáng sợ nhất của Covid-19, cho thấy đại dịch chưa kết thúc.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top