Với cách chăm ngựa bài bản, quy củ, giàu tình nghĩa, ngựa đua Đức Hòa luôn là những “chiến binh” quả cảm, khả năng phi nước đại tuyệt vời. Sau nhiều năm vắng bóng, môn đua ngựa đã hồi sinh…
“Vua duối” Kinh Bắc kể chuyện “bắt rồng”
Nguyên tắc của những ông chủ là không để ngựa của mình đua nhiều lần. Dù thắng hay thua, các chú ngựa đều được nghỉ ngơi, bồi dưỡng đến khi nào chủ thấy đủ sức khỏe mới tiếp tục ra sân.
Với cách chăm ngựa bài bản, quy củ, giàu tình nghĩa như vậy, ngựa đua Đức Hòa luôn là những “chiến binh” quả cảm, khả năng phi nước đại tuyệt vời. Sau nhiều năm vắng bóng, môn đua ngựa đã hồi sinh…
Thời hoàng kim của ngựa đua
Ấp Bình Thủy (xã Hòa Phú Đông – huyện Đức Hòa – tỉnh Long An) từ bao lâu nay vẫn được giới đua ngựa đặt cho biệt danh “làng chiến mã”.
Từ những năm Pháp thuộc, người dân ấp Bình Thủy đã phát triển nghề nuôi ngựa đua rầm rộ. Những chú chiến mã dũng mãnh xuất thân từ ruộng vườn, đồng cỏ đã mang lại cảm hứng cho giới cầm quân.
Ngựa đua Bình Thủy “thăng hoa” nhất là thời kỳ Trường đua Phú Thọ còn hoạt động. Ngày ấy, nhà nhà, người người nuôi ngựa và huấn luyện ngựa.
Họ trở thành ông bà chủ sở hữu những chú ngựa ra sân là về nhất. Người trong ấp chẳng ai hào hứng với việc đồng ruộng nữa, tình yêu với chiến mã là tất cả và trọn vẹn nhất.
Sáng sớm và chiều tối, từ đầu ấp đến cuối ấp, đâu đâu cũng thấy tụm năm tụm bảy bàn tán chuyện thi thố và đặt cược.
Từ đó, nảy ra một vài bậc “mã sư” thuần ngựa còn hơn thuần người. Nổi bật nhất có lẽ là mã sư Nhan Văn Trâm. Ngôi nhà của ông Trâm trở thành “doanh trại” quy tụ các bậc anh hào kéo đến bàn luận về ngựa.
Những chú chiến mã chuẩn bị ra đấu trường là đề tài luôn nóng bỏng và gay cấn bởi các bậc mã sư ai cũng có lý lẽ của riêng mình.
Hai ngày cuối tuần từng đoàn xe tấp nập, náo nhiệt rong bánh tiến thẳng về trường đua Phú Thọ. Chuyến đi vui như trẩy hội.
Mã sư Nhan Văn Trâm luôn dành tình cảm thắm thiết với những chú ngựa đua của mình.
Số lượng “chiến mã” của ấp Bình Thủy không bao giờ dưới một nghìn con. Và không một trận đấu nào họ bỏ sót. Do biết cách thuần và huấn luyện, ngựa Bình Thủy bao giờ cũng rinh nhiều giải nhất.
Sau này, các mã sư còn sang tận nước ngoài học cách lai giống rồi về áp vào việc huấn luyện rất thành công. Một chú ngựa có thân hình “ngoại quốc” nhưng cơ bản vẫn mang đậm chất Việt Nam bền bỉ, dẻo dai, dũng mãnh. Hội đủ những nét tinh hoa, thuần túy và trội nhất của dòng lai F1 sẽ trở thành ngựa đua đánh đâu thắng đó.
Hơn nửa đời người gắn bó với ngựa, am tường ngựa đến chân tơ kẽ tóc, ông Trâm được người dân tín nhiệm giao giữ chức Hội trưởng Hội đua ngựa và nằm trong Ban tổ chức thường trực của Hội đua ngựa thành phố.
Ông có nhiệm vụ truyền đạt thông tin từ Ban tổ chức trường đua tới các ông chủ của “thí sinh” và kê khai, làm giấy khai sinh cho những chú ngựa vừa chào đời.
Một con ngựa ra đời phải mất 11 tháng rưỡi. Việc phối giống cho ngựa không phải đơn giản. Có khi mất cả chục triệu đồng cho việc thụ tinh và không phải một lần là được.
Vì thế, ngựa con sinh ra quý vô cùng và giá trị. Là ngựa đua thì bắt buộc phải làm giấy khai sinh, cung cấp thông tin đầy đủ về chiều cao, cân nặng, chủng, loài, tên họ và chủ nhân cho Hội. Đó là yêu cầu bắt buộc để phòng tránh việc đánh tráo ngựa.
Là người chăm ngựa giỏi nhất Bình Thủy, ông Trâm cho biết, từ lúc sinh ra đến năm hai tuổi là thời điểm phải tập trung chăm sóc cẩn thận nhất.
Chỉn chu, kỹ lưỡng còn hơn cả chăm một đứa trẻ. Sau đó là giai đoạn mang đi đăng kí dự thi. Có 9 nhóm phân loại ngựa dự thi được đánh số thứ tự từ nhỏ đến lớn.
Đăng kí nhóm dự thi xong, chủ sẽ đưa ngựa về nhà huấn luyện thêm khoảng 3 tháng nữa là đưa vào trường đua.
Ông Tư Hải, một chủ nuôi ngựa đánh giá, ngựa đua được thẩm định khả năng thắng cao khi con ngựa ấy có đôi mắt to, đôi tai xốc thẳng, cổ dài, chân gân guốc, mình tròn, mông to.
Những đặc điểm này chỉ có người trong nghề mới nhận biết được và họ luôn có một niềm tin tuyệt đối vào ngựa của mình.
Một chú ngựa Bình Thủy giành giải nhất tại Trường đua Phú Thọ nhiều năm trước.
Ghìm vó, tháo cương
Đua ngựa là môn thể thao, thú chơi vô cùng thú vị, có sức lan tỏa rộng rãi. Một thời, thú vui ấy đã trở thành cái nghiệp đối với những người nuôi ngựa.
Cứ cuối tuần, gần như cả làng lại kéo nhau lên thành phố dự đua và cổ vũ cho ngựa nhà. Niềm đam mê đua ngựa không dừng lại ở việc thắng thua mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bằng việc giật giải hoặc bán chiến mã.
Mỗi giải có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Một con chiến mã giỏi bán tới vài trăm triệu. Vậy nhưng, thời đại hoàng kim của ngựa đua đã tắt lịm khi trường đua Phú Thọ ngừng hoạt động.
Người nuôi ngựa Bình Thủy hụt hẫng chao đảo, dường như họ chưa thể chấp nhận thực tế đau xót ấy. Giá ngựa đua lao dốc thê thảm, bán chẳng ai mua.
Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, buồn chán không thiết làm gì. Tuy nhiên, dù ngựa đua đã “thất sủng” nhưng họ vẫn để lại một hai con để mỗi ngày ngắm cho khuây khỏa nỗi nhớ.
Những mã sư một thời hét ra lửa như ông Trâm, ông Tư lui về với đồng áng. Ngày ra đồng chăm luống ngô, chiều mang ghế ra gốc cây cổ thụ lặng lẽ nhìn hoàng hôn buông xuống.
Đôi mắt họ vời vợi hướng ra phía cánh đồng bạt ngàn lúa, nơi ngày xưa có những đàn ngựa thung thăng gặm cỏ.
Cả con đường một thời âm vang tiếng vó ngựa lóc cóc, tiếng hí rền rã thúc giục giờ ra trận, nay cũng chìm vào thinh không, lặng lẽ đến u buồn thảng thốt. Họ cả đời gắn bó và yêu ngựa mãnh liệt như vậy bỗng phải từ giã.
Nỗi buồn nào rồi cũng qua, chỉ một thời gian ngắn, Bình Thủy đã bạt ngàn màu xanh của ngô, khoai sắn. Trong các câu chuyện thường nhật, người ta cũng ít nói về ngựa hơn, giới trẻ lớn lên ồ ạt vào thành phố mưu sinh, vô tình bỏ quên tiếng vó ngựa làng mình.
Ngựa Đức Hòa đang ra sức tập luyện để chiến đấu.
Chiến mã trở lại
Đúng mồng Một Tết Đinh Dậu, Khu du lịch Đại Nam khai trương môn đua ngựa. Khỏi phải nói, dân sành ngựa Đức Hòa nói chung và Bình Thủy nói riêng phấn khởi đến mức nào.
Đã 6 năm kể từ ngày Trường đua ngựa Phú Thọ đóng cửa, nay chiến mã của họ lại có cơ hội tung vó. Tuy nhiên, do thời gian tạm ngừng quá dài nên số lượng ngựa Đức Hòa từ gần một nghìn con giảm còn 300, trong đó ngựa đua thực thụ chỉ chưa tới 50 con.
Điều may mắn là họ còn giữ lại được những con ngựa mẹ, nếu chăm tốt thì chỉ vài năm, số ngựa “chiến binh” sẽ dồi dào trở lại. Ngay khi biết tin, anh Tú ở Đức Lập Thượng (Đức Hòa) đã dắt chú Bảo Anh của mình đi “đánh xứ người”. Ngay trận mở màn, Bảo Anh đã kiêu hãnh giật giải tư.
Sau nhiều năm “thiếu vắng cảm xúc chiến thắng, giới nuôi ngựa Đức Hòa lại có dịp bung trào trở lại. Họ như được tiếp thêm sức mạnh, dốc hết tâm huyết và sức lực chăm sóc huấn luyện chiến mã.
Ngay sau khi giật giải không tồi trong trận đầu, nhiều người tìm đến nhà anh Tú hỏi mua ngựa giống và nhờ huấn luyện.
Trường đua ngựa ở Đại Nam đi vào hoạt động đã đánh thức khát vọng chiến binh của hàng ngàn người yêu thích môn thể thao này.
Nói về giá ngựa bây giờ, anh Tú ngậm ngùi: “Ngày trước trung bình mỗi con ngựa đua có giá 300 triệu đồng, nếu con đạt giải cao phải ở mức gần một tỷ.
Đau xót là tất cả chiến binh 6 năm về trước đều phải vào lò mổ. Nay không có ngựa để bán nữa, ai cũng muốn giữ lại làm tài sản để huấn luyện mang đi thi”.
Khi “làng chiến mã” đang rục rịch trở lại thì gặp phải nghịch cảnh là thiếu vốn đầu tư. Chủ ngựa Huỳnh Văn Thiết chia sẻ: “Để sở hữu một chú ngựa giống tốt phải mất hàng trăm triệu đồng.
Còn huấn luyện từ lúc mới sinh cho tới khi ra trường đua mất thêm vài chục triệu nữa. Số tiền đó người nuôi phải tự bỏ ra. Gia đình nào khá lắm cũng chỉ kham nổi 2 con, nghèo thì buông tay chịu thua rồi”.
Nhưng dù thế nào đi nữa, ở cái nôi ngựa Đức Hòa, người nuôi vẫn quyết tâm theo đuổi nghề, bởi ngoài niềm đam mê cháy bỏng với cuộc chơi chiến mã đã ngấm vào máu thịt thì họ còn có một đích đến là kiếm tiền từ những “chiến binh” mang lại.
Thời hoàng kim, nhiều lão nông ở Bình Thủy, Đức Hòa đã trở thành tỷ phú. Đó là lý do chính đáng để làng ngựa hồi sinh mạnh mẽ như bây giờ.
Ngọc Hoa (Theo CAND)