Hội chứng hậu Covid-19: Cần biết để sống cùng SARS-CoV-2

Nhiều người vẫn nghĩ Covid-19 là bệnh cấp tính. Thực tế, triệu chứng hậu Covid-19 khó chịu, kéo dài.

Hội chứng hậu Covid-19 tác động mạnh lên cơ thể

Trong gần 2 năm dịch Covid-19, tổng số ca nhiễm trên thế giới hơn 220.000.000 với con số tử vong gần 4.600.000. Việt Nam có hơn 500.000 ca nhiễm với hơn 300.000 ca khỏi bệnh.

Biểu hiện lâm sàng của người nhiễm Covid-19 khá đa dạng và không đặc hiệu. Trong đó, hơn 80% các ca có biểu hiện nhẹ như cảm cúm, 15% biểu hiện viêm phổi cần có sự hỗ trợ y tế kịp thời, 5% các trường hợp đe doạ tử vong cần điều trị chuyên sâu trong khu vực hồi sức.

Hội chứng hậu Covid-19: Cần biết để sống cùng SARS-CoV-2  ảnh 1
Hội chứng hậu Covid-19, các triệu chứng khó chịu vẫn còn tiếp tục, kể cả khi người bệnh đã có các xét nghiệm PCR âm tính.

Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng Covid-19 là một bệnh cấp tính, không để lại hậu quả lâu dài. Thời gian từ khi khởi phát đến khi phục hồi vào khoảng 2 tuần đối với các ca nhẹ và khoảng 3 - 6 tuần đối với các ca nặng. Tuy nhiên, trên thực tế, các triệu chứng khó chịu vẫn còn tiếp tục, kể cả khi người bệnh đã có các xét nghiệm PCR âm tính.

Các biểu hiện dai dẳng thường gặp sau khi lành bệnh được ghi nhận bao gồm mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, khó thở, ho, đau ngực, tim đập nhanh, lo âu, trầm cảm, rối loại giấc ngủ, chấn thương tâm lí, mất vị giác hoặc khứu giác, đau đầu, tiêu chảy, rụng tóc, nổi mẩn đỏ và giảm chất lượng cuộc sống.

Tình trạng này cũng tương tự như nhiễm SARS-CoV-1 tại Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2003 hoặc MERS-CoV tại Trung Đông năm 2012. Đây là vấn đề đáng quan ngại về di chứng kéo dài của hội chứng hậu Covid-19.

Hội chứng hậu Covid-19 tác động mạnh lên cơ thể.
Hội chứng hậu Covid-19 tác động mạnh lên cơ thể.

Hội chứng hậu Covid-19 được xác định khi các triệu chứng của bệnh Covid-19 kéo dài trên 4 tuần và phân thành 2 nhóm.

Nhóm 1 vẫn còn triệu chứng trong khoảng 4 - 12 tuần sau nhiễm, bao gồm hội chứng Covid-19 bán cấp và hội chứng Covid-19 kéo dài. Nhóm 2 vẫn còn triệu chứng kéo dài > 12 tuần, được gọi là hội chứng hậu Covid-19 mạn tính hoặc di chứng hậu Covid-19.

SARS-CoV-2 sau khi xâm nhập và gây bệnh sẽ làm phổi bị xơ sẹo, dẫn đến giảm khả năng hô hấp bình thường và gây nên tình trạng khó thở. 

Do đó, phục hồi chức năng phổi thông qua tập thở và vật lý trị liệu cần được tiến hành sớm trong quá trình lành bệnh. Hoạt động này nên được duy trì liên tục trong ít nhất 6 - 8 tuần để cải thiện chức năng hô hấp cho bệnh nhân Covid-19.

Hiện tượng tăng đông và tăng phản ứng viêm có thể kéo dài lên đến 6 tuần sau khi nhiễm. Do đó, người bệnh cần được tái khám định kỳ sau nhiễm để theo dõi nguy cơ huyết khối tĩnh mạch nguyên phát và cân nhắc việc duy trì liệu pháp kháng đông khi cần thiết. Việc vận động thể chất nhẹ nhàng và hợp lý cũng giúp bệnh nhân Covid-19 khắc phục được vấn đề này.

Việc vận động thể chất nhẹ nhàng và hợp lý cũng giúp bệnh nhân hậu Covid-19 khắc phục được một số triệu chứng hậu Covid-19 như khó thở...
Việc vận động thể chất nhẹ nhàng và hợp lý cũng giúp bệnh nhân hậu Covid-19 khắc phục được một số triệu chứng hậu Covid-19 như khó thở...

SARS-CoV-2 cũng thường tấn công lên hệ thống tim mạch trong giai đoạn cấp tính. Sau khi test virus âm tính, nhiều bệnh nhân vẫn còn đau ngực và hồi hộp, đánh trống ngực. Nếu có biểu hiện trên, người bệnh nên đến khám tim mạch để theo dõi điện tim ngay và xử lý kịp thời.

Các vận động viên sau nhiễm SARS-CoV-2 nên được kiểm tra tình trạng viêm cơ tim thông qua siêu âm tim và đo men tim, đồng thời xem xét ngưng vận động quá sức hoặc thi đấu trong thời gian từ 3 - 6 tháng.

Nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 (> 50%) có ít nhất một trong các biểu hiện tổn thương tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loại giấc ngủ, chấn thương tâm lý. Câu chuyện này có thể kéo theo tình trạng đau đầu dai dẳng từ 6 tháng trở lên, để lại những sang chấn tinh thần sâu sắc.

Sang chấn về cả bước đường mưu sinh hậu Covid-19

Covid-19 gần như gây tổn thương chính trên 2 nhóm đối tượng của xã hội là những người với cơ thể sinh học yếu thế (già, bệnh nền, béo phì...) và những gia đình chật vật với cuộc mưu sinh kiếm sống.

Dù cho có nhiễm virus hay không, những người có hoàn cảnh khó khăn đã, đang và sẽ hứng chịu toàn bộ gánh nặng mà đại dịch để lại. Do đó, đây không chỉ là trách nhiệm của các chuyên gia tâm lý, mà là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng, của các cấp lãnh đạo và các chính sách công hợp lý.

Dù cho có nhiễm virus hay không, những người có hoàn cảnh khó khăn đã, đang và sẽ hứng chịu toàn bộ gánh nặng mà đại dịch để lại.
Dù cho có nhiễm virus hay không, những người có hoàn cảnh khó khăn đã, đang và sẽ hứng chịu toàn bộ gánh nặng mà đại dịch để lại.

Kinh tế và bệnh tật, đã đến lúc chúng ta cần lựa chọn thẳng thắn vấn đề nào là ưu tiên số một. Mọi thứ về Covid-19 còn nhiều mơ hồ, tuy nhiên sự kiệt sức của nhiều người về kinh tế, về vật chất cũng quan trọng không thua kém gì tác động của bệnh tật lên cơ thể do Covid-19, thậm chí còn có thể nghiêm trọng hơn nữa.

Như vậy, bên cạnh các vấn đề sức khoẻ diễn tiến kéo dài, tình trạng giảm chất lượng cuộc sống hậu Covid-19 còn liên quan đến gánh nặng kinh tế, sự kỳ thị từ phía xã hội, những mất mát về tinh thần trong các gia đình trải qua cơn bão mang tên SARS-CoV-2.

Sự nhận định rõ về hội chứng hậu Covid-19 sẽ giúp mỗi người dân và các ban ngành có liên quan, nhất là ngành y tế và các chính sách công, lên một kế hoạch hiệu quả để sống cùng virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài sắp tới.

Sự chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý và hành động sẽ giúp cả xã hội đạt tới sự ổn định sớm và ít để lại những di chứng nghiêm trọng về mọi mặt.

ThS.BS Cái Hữu Ngọc Thảo Trang - ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top