Đại gia đình Đề Thám.
Đề Thám họ gì?
Hoàng Hoa Thám (1836 – 10/2/1913) còn gọi là Đề Dương, Đề Thám hay “Hùm xám Yên Thế”; trước khi cải từ họ Trương sang họ Hoàng, mang họ Đoàn.
Hầu hết các tài liệu viết về Đề Thám đều cho rằng ông gốc họ Trương, hồi bé là Trương Văn Nghĩa sau đổi thành Trương Văn Thám; quê xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên; sau di cư lên Sơn Tây rồi đến Yên Thế (Bắc Giang). Cha ông là Trương Thận và mẹ là Lương Thị Minh.
Nhà nghiên cứu Khổng Đức Thiêm, căn cứ gia phả họ Bùi (Thái Bình) và họ Đoàn (Dị Chế) cho biết, Trương Thận, cha của Đề Thám chỉ là biệt danh của một thủ lĩnh nông dân để nổi lên chống lại nhà Nguyễn, tên chính là Đoàn Danh Lại, có hai con trai. Đoàn Văn Nghĩa tức Trương Văn Nghĩa, tức Đề Thám là con thứ hai, sinh được mấy tháng thì bố mẹ bị giết hại. Luận điểm này được Khổng Đức Thiêm khẳng định lại trong tác phẩm Hoàng Hoa Thám (1836-1913).
Năm 26 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Cai Vàng (1862-1864); năm 34 tuổi, gia nhập cuộc khởi nghĩa Đại Trận (1870-1875) và được gọi là Đề Dương.
Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh ở Hữu Lũng (1882-1888); cuối năm 1885, cùng Bá Phức trở lại Yên Thế đứng dưới cờ của Lương Văn Nắm, tức Đề Nắm và trở thành một tướng lĩnh có tài.
Hùm thiêng Yên Thế
Ngày 9/12/1890, Đề Thám cầm quân đánh bại 4 đợt tiến công lớn của Pháp vào căn cứ Hố Chuối (Phồn Xương, Yên Thế). Tuy nhiên, trước kẻ địch có ưu thế hơn về binh lực, ngày 10/1/1891, ông quyết định rút khỏi Hố Chuối để bảo toàn lực lượng, chiến đấu lâu dài.
Bước sang năm 1892, Pháp sử dụng các thủ đoạn gây chia rẽ nội bộ, tập trung lực lượng tiếp tục mở cuộc tiến công quy mô lớn vào Yên Thế.
Do lực lượng quá chênh lệch và thiếu sự chỉ đạo thống nhất, ngày 31/3/1892, nghĩa quân phải rút khỏi căn cứ, phân tán hoạt động ở nhiều nơi và đứng trước nguy cơ tan vỡ, đặc biệt khi thủ lĩnh Đề Nắm bị Đề Sặt sát hại, sau đó cùng Đề Tuân, Đề Kiều, Tổng Chế, Bá Phức (cha nuôi của Đề Thám)… lần lượt ra hàng Pháp.
Đề Thám là phó tướng trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế, tiếp tục hoạt động và trở thành thủ lĩnh danh tiếng nhất của phong trào với biệt danh: “Hùm xám Yên Thế”, “ Hùm thiêng Yên Thế”.
Với tài năng và uy tín của mình, Đề Thám nhanh chóng hợp nhất các lực lượng nghĩa quân, củng cố và mở rộng căn cứ Yên Thế, thu hút hào kiệt khắp nơi về hội tụ: Cao Điền từ Hà Tĩnh, Cai Thanh từ Thanh Hóa ra; Cả Tuyến, Thống Luận từ Tam Đảo về; Hai Nôm, Hai Giữa từ Phúc Yên sang…
Trong hai năm (1893-1894), Pháp đã tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đề Thám, bằng chiến thuật đánh du kích tài tình đã tránh được mũi nhọn và gây cho Pháp những tổn thất nặng nề.
Trước thanh thế và thực lực ngày càng lớn mạnh của nghĩa quân, cuối tháng 1/1894, sau nhiều lần tiến công vào Yên Thế thất bại, Pháp buộc phải thương lượng. Tranh thủ thời gian, Đề Thám tích cực củng cố, xây dựng căn cứ, lập thêm nhiều công trình phòng thủ mới, trong đó đồn Hữu Nhuế được xây dựng vững chắc nhất.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu