Ho kéo dài: Nguyên nhân và các lưu ý đừng chủ quan

Ho kéo dài có thể là do mắc các bệnh lý nguy hiểm trong đường hô hấp, hoặc cũng có thể là do các tác động kích thích từ bên ngoài. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Ho kéo dài (ho mãn tính) mặc dù không nghiêm trọng nhưng có thể gây nhiều hệ luỵ đến sức khoẻ, bao gồm suy nhược về thể chất, tinh thần, mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt, căng cơ, khàn giọng, đổ mồ hôi nhiều và són tiểu khi ho.

Nếu không được điều trị, ho kéo dài có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm và gây biến chứng nguy hiểm.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân bệnh ho kéo dài

Nguyên nhân bệnh lý:

Nhiễm khuẩn: Bệnh nhân bị nhiễm các virus gây bệnh cúm, viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Sau khi được điều trị khỏi thường có biểu hiện ho dai dẳng.

Trào ngược dạ dày: Nhiều trường hợp người bệnh bị trào ngược dạ dày, khiến cho dịch từ dạ dày trào lên thực quản gây kích ứng niêm mạc tại đây và sinh ra phản ứng ho. Nếu tình trạng tái lặp nhiều lần sẽ khiến bệnh nhân bị ho kéo dài và không thuyên giảm ngay cả khi sử dụng thuốc trị ho.

Hen phế quản: Bệnh thường xuất hiện theo mùa, sau khi tiếp xúc với không khí lạnh mà không giữ ấm cơ thể, tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc hoá chất, hay bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

Viêm mũi xoang: Bệnh xoang khiến cho vùng mũi hoặc xoang tiết ra quá nhiều dịch nhầy. Dịch chảy xuống thành sau họng, kích thích gây nên phản ứng ho.

Viêm phế quản mạn tính: Những bệnh nhân bị viêm phế quản mạn tính thường có thói quen hút thuốc hoặc đã từng hút nhiều thuốc trước đó. Bệnh kéo dài dẫn đến xung huyết, gây khó thở, thở khò khè và ho có đờm dai dẳng.

Các bệnh về phổi

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Bệnh là hậu quả của hút thuốc trong thời gian dài. Triệu chứng gồm có ho kéo dài, tức ngực, khó thở, thở khò khè, ho kèm chất nhầy và ho nhiều nhất vào buổi sáng.

Ung thư phổi: 65% người bị ung thư phổi có dấu hiệu ho kéo dài kèm dịch nhầy màu đỏ nâu hoặc hồng, bị đau tức ngực, khản tiếng, đau khi nuốt.

Viêm phổi: Ho dai dẳng và thường bị vào ban đêm. Ho có thể kèm đờm xanh hoặc lẫn máu. Xuất hiện chứng cảm lạnh: sốt cao, khó thở, tức ngực, bệnh có thể kéo dài hơn 2 tuần. Cần đi khám ngay trước khi bệnh tiến triển nặng.

Lao phổi: Các biểu hiện khởi phát bao gồm ho kéo dài, khó thở, tức ngực, ho có thể kèm máu, sụt cân, suy nhược cơ thể, đổ mồ hôi về đêm,... Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ lây lan sang các cơ quan khác và gây nên những biến chứng nghiêm trọng.

Các lý do hiếm gặp khác: Tăng cảm thanh quản, nhuyễn sụn khí, phế quản, dị dạng động mạch và tĩnh mạch phổi, phì đại amidan, xơ nang, bệnh sarcoidosis...

Các nguyên nhân khác

Hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm: là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên chứng ho kéo dài, và đây cũng là nguyên nhân gây nên rất nhiều bệnh lý kể trên. Những người không nghiện thuốc lá nhưng lại hít thuốc thụ động từ những người xung quanh cũng có nguy cơ bị ho lâu ngày kèm theo những tổn thương về phổi;

Đối tượng phụ nữ, người cao tuổi cũng thường nhạy cảm hơn với các phản ứng ho;

Sử dụng các thuốc để điều trị bệnh như: Thuốc hạ huyết áp, đặc biệt là những thuốc làm ức chế chuyển angiotensin thường gây phản xạ ho khan kéo dài. Khi ngừng thuốc thì sẽ hết ho.

Nên làm gì khi ho kéo dài?

Ho kéo dài có thể chỉ là một phản ứng bình thường của cơ thể đối với các tác động của môi trường bên ngoài, nhưng đây cũng là biểu hiện của một bệnh lý bất thường nào đó. Vì thế chúng ta không nên chủ quan. Cần lưu ý những điểm sau:

Nếu ho kéo dài kèm theo triệu chứng sốt, tím tái, khó thở và ho lâu ngày đến kiệt sức thì cần phải đi khám và tiến hành xét nghiệm. Đi khám ngay nếu tình trạng ho kéo dài trên 5 ngày.

Ho kéo dài trên 3 tuần mà không thuyên giảm sau khi đã dùng thuốc, kèm theo biểu hiện sốt, ho có đờm màu nâu hoặc vàng, ho ra máu, đau ngực, thở nông thì phải đi khám để chẩn đoán.

Đặc biệt các trường hợp bị ho kéo dài khi bệnh nhân có tiền sử bị lao phổi, hen suyễn, sụt cân và bị đau dạ dày thì phải điều trị các nguyên nhân bệnh lý gây ho kéo dài.

Bệnh nhân đã từng bị ho kéo dài trước đây cần phải chú ý giữ ấm cơ thể vào những ngày trời gió, lạnh, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý.

Theo Đời sống
back to top