Nghiên cứu sinh của Cambridge đã phát hiện ra cách mà các tế bào T – một nhân tố quan trọng trong hệ miễn dịch con người – có thể liên tục tiêu diệt các tế bào gây ung thư, và không ngừng nạp vũ khí.
Tế bào độc sát T, hay còn gọi là tế bào Cytotoxic T, là những tế bào bạch cầu đặc biệt được hệ miễn dịch dùng để nhận biết và loại bỏ các mối đe dọa như tế bào ung thư và các tế bào bị xâm nhập bởi virus, ví dụ như SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19.
Tế bào này cũng là trung tâm nghiên cứu của liệu pháp miễn dịch, hứa hẹn sẽ thay đổi cách điều trị ung thư trong tương lai.
GS Gilian Griffith, Viện nghiên cứu Y học Cambridge, người chủ trì nghiên cứu này, cho biết: “Một khi tế bào T đã tìm thấy mục tiêu của mình, nó sẽ dính chặt vào đó và giải phóng độc tố. Nhưng điều đáng kinh ngạc ở đây là sau đó, chúng vẫn có thể tiếp tục quay sang tiêu diệt các mục tiêu khác. Chỉ cho tới bây giờ, nhờ sự trợ giúp của những công nghệ tuyệt vời, chúng ta mới có thể hiểu được cách những tế bào này đã nạp lại vũ khí của chúng như thế nào”.
Trong bài nghiên cứu xuất bản trên Science, nhóm đã chứng minh rằng khả năng nạp độc tố này là nhờ sự điều chỉnh của ty thể. Ty thể thường được nhắc đến như pin dự trữ năng lượng của tế bào bởi chúng có vai trò cung cấp năng lượng vận hành các chức năng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, ty thể lại được sử dụng để đảm bảo các tế bào T có đầy đủ “đạn dược” tiêu diệt mục tiêu.
GS Griffiths giải thích: “Những sát nhân này cũng cần điều chỉnh trọng tải của độc tố để có thể tiếp tục tiêu diệt mà không làm ảnh hưởng đến bản thân chúng. Quá trình điều chỉnh thận trọng này là do ty thể trong tế bào T, đây cũng là quá trình quyết định khoảng thời gian giữa các lần tiêu diệt dựa trên tốc độ tự sản sinh protein. Điều này làm cho các tế bào T khỏe mạnh hơn và có thể tiếp tục nhiệm vụ dưới điều kiện khó khăn khi cơ thể đòi hỏi sự phản ứng lâu dài”.
Để hỗ trợ bài nghiên cứu, GS. Griffiths và đồng nghiệp đã đăng tải băng hình ghi lại tế bào sát nhân T khi chúng truy lùng và tiêu diệt các tế bào ung thư
1 thìa cà phê (1 teaspoon) máu được cho rằng có tới 5 triệu tế bào T, mỗi tế bào có chiều dài khoảng 10 micromet và chiều rộng bằng 1/10 chiều rộng sợi tóc người. Các tế bào này, được nhìn thấy trong video là các đốm vô định hình màu đỏ và xanh lá, di chuyển rất nhanh và liên tục do thám môi trường mà chúng đi qua.