Ánh nắng không phải là thủ phạm
Chị Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpas Garden chia sẻ, nhiều phụ nữ lo lắng về ung thư da, nên lúc nào cũng phải bôi kem chống nắng. Thực tế, bản chất bệnh ung thư da sẽ là mối quan tâm của những người da trắng - đặc biệt là những người da trắng sống ở vùng có UV cao như người Úc. Họ hay bị các bệnh liên quan đến tiếp xúc với ánh nắng như rosacea (giãn mao mạch, khiến da mẫn cảm và đỏ ửng). Những người da trắng hay tắm nắng (hoặc hay tắm đen ở dụng cụ tắm đen chuyên dụng - tanning bed) là những người có nguy cơ cao với ung thư da. Còn ung thư da ở những người da màu là hiếm. Theo thống kê thì tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh này là 2,9 đến 4,5 người/100 nghìn dân. Đây không phải là con số lớn đến mức khiến tất cả chị em lo ngại.
Những nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư da là do tiếp xúc với UV và bức xạ ion hóa mà không có biện pháp phòng hộ. Với tiếp xúc với UV, chủ yếu những người bị ung thư da là những người làm việc ngoài trời như ngư dân, nông dân, công nhân cầu đường…
Những người thừa hưởng gene di truyền có nguy cơ ung thư da cao hơn những người khác. Người mắc bệnh lý về da liễu hoặc khả năng miễn dịch kém. Ung thư da có thể xuất hiện trên những tổn thương da như vết bỏng cũ, vết loét da, vết xăm da. Da tiếp xúc với hóa chất. Phương pháp chăm sóc da sử dụng nhiều hóa chất lột tẩy, kem trộn... sẽ làm da mẫn cảm và dễ mắc các bệnh da liễu, trong đó có ung thư da.
Vì vậy, theo chị Đỗ Anh Thư, khi lựa chọn mỹ phẩm, nên hướng vào việc chăm sóc, dưỡng da hơn là phòng tránh ung thư da như nhiều người đang lầm tưởng. Ánh nắng mặt trời ở góc độ nào đó tốt cho da. Thủ phạm gây ung thư da, nguy hiểm hơn cả, chính là các loại mỹ phẩm trôi nổi mà nhiều người sử dụng hàng ngày.
Cẩn trọng với kem trộn, chất lột tẩy
Kem chống nắng với mục đích "phòng ung thư da" là khái niệm ban đầu dành riêng cho người da trắng thích phơi nắng ở biển và những người da trắng ở môi trường nhiều UV. Nhìn chung, người phương Tây thích tắm nắng, thích các hoạt động ngoài trời hơn người phương Đông, vì vậy kem chống nắng với họ là thiết thực với sức khỏe. Còn ở Việt Nam, với các đặc điểm như: Da nhiều melanin hơn; ít người có gene di truyền về ung thư da hơn; vận động ngoài trời ít hơn; xu hướng bảo vệ da rất kỹ khi ra đường... thì nguy cơ ung thư da thấp, do đó chị em đừng lo rằng sẽ mắc ung thư da do UV nếu không có kem chống nắng.
Bảo vệ da khỏi ánh nắng không phải là sai, nhưng nếu chỉ nghĩ đến bảo vệ da mà làm mất cân bằng các yếu tố bảo vệ sức khỏe khác thì sẽ là sai. Kẻ thù gây ung thư da không phải là ánh nắng, mà chính là những thứ mỹ phẩm, kem trộn, lột tẩy da… không rõ nguồn gốc, tác dụng thần tốc mà nhiều chị em tin tưởng. Điều này lại ít được chị em quan tâm là một sai lầm. Trong các sản phẩm làm trắng siêu tốc, thường có nồng độ axit cao có khả năng tiêu sừng cực mạnh. Khi sản phẩm này được bôi lên da sẽ làm teo lớp sừng và chỉ sau vài ngày lớp da non sẽ lộ dần ra.
Ngoài ra trong thành phần của phương pháp này còn có phenol có tác dụng xâm nhập sâu vào lớp võng của tổ chức da, xóa đi các nếp nhăn, làm da phẳng, căng hồng. Nhưng lại rất dễ gây tổn thương da. Lớp da non trắng mỏng, yếu ớt không được bảo vệ khỏi tia nắng mặt trời nhanh chóng bị bỏng, ửng đỏ và loang lổ, nặng hơn có thể dẫn đến cháy da hoặc chảy máu. Đây cũng chính là nguyên nhân của hiện tượng bị nám hoặc tàn nhang cho da, ung thư da.
Hơn nữa, hầu hết sản phẩm kem tắm trắng trên thị trường là kem tự trộn, bán theo cân, nguồn gốc không rõ ràng. Thậm chí, một số cơ sở còn sử dụng các loại kem làm trắng trộn corticoid làm cho da trắng sáng, mịn màng tức thời nhưng lâu dài sẽ gây giãn mạch máu, mỏng da, viêm nang lông có thể dẫn đến giữ nước, suy thận, suy gan, nhiễm trùng huyết và tử vong. Ung thư da thường xuất hiện sau tuổi 40 nhưng hiện nay cùng với các loại mỹ phẩm làm đẹp không an toàn như tắm trắng, lột mặt nạ… thì ung thư da đang ngày càng trẻ hóa và gia tăng.
Bảo Khánh