Lợi đi kèm hại
Theo BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trong dưa, cà chứa rất nhiều các lợi khuẩn probiotic vì ngâm muối là một hình thức của quá trình lên men. Khi các loại rau và trái cây lên men, vi khuẩn có lợi giúp phá vỡ xenlulose khó tiêu hóa trong thực phẩm, cũng như một số các đường tự nhiên. Đây là lý do tại sao một số người không dung nạp lactose có thể ăn sữa chua. Những lợi khuẩn giúp giữ cho thực phẩm lên men ít có khả năng bị hư hỏng và làm tăng vi khuẩn tốt trong đường ruột. Do đó, dưa chua có thể tăng cường các lợi khuẩn trong bữa ăn của chúng ta.
Ngoài ra, trong dưa, cà muối còn chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng chống lại các gốc tự do. Các gốc tự do là những hóa chất không ổn định được hình thành tự nhiên trong cơ thể, có thể làm tổn thương tế bào và dẫn đến các vấn đề về bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa cơ thể. Trong khi bất kì thực phẩm nào khi nấu lên đều có thể phá vỡ một số các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt, bảo quản rau bằng cách ngâm muối có thể giữ lại các chất chống oxy hóa gần như nguyên vẹn. Đó là lý do vì sao các món dưa, cà vẫn luôn được ưa chuộng từ hàng trăm năm nay.
Theo BS Trần Thu Nguyệt, lợi khuẩn, cung cấp chất chống oxy hóa nhưng dưa, cà lại không phải là món được khuyến khích ăn nhiều do cùng với nó là những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ví dụ như khi ăn các thực phẩm ngâm quá nhiều muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Nếu bạn ăn quá nhiều dưa muối có nghĩa là bạn nạp một lượng lớn natri vào cơ thể, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe.
Có nên ăn dưa, cà muối?
Với những lợi ích về sức khỏe mà dưa muối mang lại, đây chắc chắn là một món nên ăn. Điều quan trọng là làm thế nào để dưa muối thực sự tốt. Bằng cách, hãy ăn điều độ. Ăn điều độ được hiểu như dưa muối, từ dưa chuột, kim chi, dưa cải, dưa củ cải... nên được dùng như một món ăn bổ trợ trong bữa ăn, giúp bạn có cảm giác ngon miệng và sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa hơn. Hãy xem cách người Nhật, người Hàn Quốc thêm các món dưa, kim chi trong bữa ăn: một chén nhỏ cho mỗi loại, ăn một cách thông minh để có được lợi ích tối đa của dưa muối.
Hãy tự làm dưa chua tại nhà. Các bà, các mẹ chúng ta đã tự làm món dưa chua cho cả nhà từ nhiều thế hệ nay như một công việc thường xuyên của người nội trợ. Trong bối cảnh có rất nhiều mối lo ngại về an toàn thực phẩm như hiện nay, tự tay làm món dưa chua, có nghĩa là bạn sẽ tránh được các nguy cơ về vệ sinh, chất phụ gia, chất bảo quản... Hãy tự tin rằng chỉ vài lần, bạn sẽ có được món dưa ngon và phù hợp khẩu vị riêng của gia đình mình. Lựa chọn dụng cụ an toàn cho việc muối dưa: đó có thể là bình/lọ thủy tinh, vại/bình sứ gốm, các nồi inox chuyên biệt (chẳng hạn như nồi ủ kim chi Hàn quốc)...
Món dưa, cà muối không dành cho người đau dạ dày, tim mạch, huyết áp, gan. Ngay cả khi bạn chưa từng bị đau dạ dày, đừng ăn dưa chua lúc đói hoặc ngay đầu bữa ăn vì có thể làm cho dạ dày bạn cồn cào hoặc lấn át vị giác của các món ăn tiếp theo. Không cho trẻ em ăn dưa, cà muối vì hệ tiêu hóa của bé còn chưa hoàn chỉnh. Bạn nên bổ sung các lợi khuẩn cho bé từ các sản phẩm khác tốt hơn như sữa chua, men tiêu hóa... hơn là cho bé ăn dưa chua.
Theo BS Trần Thu Nguyệt, hãy chọn các thực phẩm an toàn làm nguyên liệu. Hãy tránh xa các rau, củ không rõ nguồn gốc, trái mùa hoặc bạn nghi ngờ có chất bảo quản, thuốc kích thích hoặc nhiễm bẩn vi sinh vật.