Theo BSCKII Bùi Mạnh Hà, bao cao su được sản xuất chỉ được sử dụng một lần với sự kiểm soát về độ bền, độ đàn hồi, kích thước, chất bôi trơn và vô khuẩn theo quy trình chặt chẽ. Để sử dụng có hiệu quả, bao cao su phải đảm bảo đạt chất lượng, sử dụng đúng cách và tuyệt đối không được tái sử dụng.
Hàng trăm ngàn bao cao su qua sử dụng đã được tái chế. (Ảnh: Ban Quản lý Thị trường) |
BSCKII Bùi Mạnh Hà khuyến cáo, khi tái sử dụng bao cao su sẽ không đảm bảo được 2 mục đích: Phòng ngừa nhiễm khuẩn lây qua tình dục và tránh thai. Nguyên nhân là do quá trình tẩy rửa, tái chế bằng hóa chất, bao cao su dễ bị giảm chất lượng đàn hồi, dễ bị thủng, rách dẫn đến nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường tình dục như HIV, HPV, viêm gan siêu vi B, giang mai, lậu, sùi mào gà, Chlamydia, nhiễm vi nấm Candida… và mang thai ngoài ý muốn. Thậm chí, trong quá trình tái chế, người ta có thể sử dụng các chất bôi trơn chất lượng kém, không rõ nguồn gốc nên dễ gây dị ứng cho người tiếp xúc.
Người sử dụng do không biết bao cao su đã qua tái chế, kém chất lượng, nên có tâm lý chủ quan, không ý thức được các nguy cơ tiềm tàng nên dễ nhiễm bệnh. Theo thống kê, mỗi tháng, Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TPHCM, tiếp nhận và điều trị cho hơn 5.000 ca khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cao điểm có những ngày khoa tiếp nhận hơn 300 ca.
Để tránh lây nhiễm các bệnh lây quyền qua đường tình dục, phòng tránh thai ngoài ý muốn, BSCKII Bùi Mạnh Hà khuyến cáo, luôn sử dụng bao cao su mới cho mỗi lần quan hệ, tuyệt đối không tái sử dụng và cần dùng đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Luôn sử dụng bao cao su mới cho mỗi lần quan hệ, tuyệt đối không tái sử dụng và cần dùng đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất. |
Nên chú ý lựa chọn kích thước bao cao su phù hợp. Kiểm tra kỹ bao bì và hạn sử dụng của sản phẩm trước khi mang và chú ý xé bao cẩn thận để tránh làm rách. Không được sử dụng các sản phẩm gốc dầu như kem dưỡng da, dầu trẻ em, dầu ăn… vì chúng có thể làm bao cao su dễ rách, thủng.
Với những trường hợp bị dị ứng như ngứa ngáy vùng kín, sưng phù, chóng mặt, khó thở… các bác sĩ da liễu khuyến cáo, người bệnh không nên tiếp tục sử dụng sản phẩm đó và phải đến các chuyên khoa để khám và điều trị phù hợp.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương vừa bắt quả tang bà Phạm Thị Thanh Ngọc (sinh năm 1987, ngụ tại khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đang tái chế bao cao su đã qua sử dụng. Cơ quan chức năng đã thu giữ 324.000 chiếc bao cao su (tương đương với 360kg) đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn. Theo lời khai của bà Ngọc, trung bình mỗi tháng một lần, bà ta nhận bao cao su đã qua sử dụng, súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt tạo hình mới; sau đó, thêm một số loại dung dịch và giao hàng.