|
Nằm ở phía nam thành phố Thập Yển thuộc tây bắc tỉnh Hồ Bắc, núi Võ Đang (còn gọi là núi Thái Hòa) thuộc quần thể du lịch Hải Bạt, có chiều cao khoảng 1.610m. Từ lâu, ngọn núi này được ca ngợi là "Thiên hạ danh sơn" (tạm dịch: ngọn núi nổi tiếng trong thiên hạ). |
|
Võ Đang có 72 đỉnh núi dốc nằm kề nhau. Từ thời nhà Hán, các giáo sĩ đã coi Võ Đang là "vùng đất thánh" của Đạo giáo. Theo đó, hàng nghìn người đã đến đây để học tập và tu luyện. |
|
Trong đoạn đường dài khoảng 70 km từ chân núi Võ Đang lên tới đỉnh núi có 32 đền thờ Đạo giáo. Những đền thờ này chủ yếu được xây dựng theo lối kiến trúc của thời nhà Nguyên, Minh và Thanh. |
|
Võ Đang được coi là một trong những cái nôi võ thuật của Đạo giáo và Thái Cực quyền. Nhiều giai thoại, truyền thuyết về huyền thoại võ thuật nổi tiếng Trung Quốc bắt nguồn tại ngọn núi huyền thoại này. |
|
Trong đó có huyền thoại về Trương Tam Phong - người đứng đầu phái Võ Đang. Là người thông minh hơn người, Trương Tam Phong được cho là dùng võ công của Thiếu Lâm để tạo nên một loại võ công mới là Thái Cực Thần Công danh tiếng và xây dựng nên phái Võ Đang. |
|
Thái Cực Thần Công được biết đến là loại công phu lấy nhu chế cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh; chia làm hai loại là Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm. |
|
Núi Võ Đang cũng là nơi khai sinh môn võ Thái Cực quyền được cả thế giới biết đến. Nơi đây càng nổi tiếng hơn khi thường được nhắc đến trong các tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. |
|
Thêm nữa, núi Võ Đang là nơi lưu giữ hơn 7.400 di tích văn hóa quý giá, đặc biệt là những di sản văn vật Đạo giáo nổi tiếng. Đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch ghé thăm ngọn núi này. |
|
Vào năm 1994, núi Võ Đang được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhờ vậy, danh tiếng của ngọn núi này ngày càng vang xa. |
Mời độc giả xem video: Mối tình kỳ lạ của Hoàng đế Trung Quốc với cung nữ hơn 17 tuổi. Nguồn: Kienthuc.net.vn.