AI siêu xịn, giảm tiếng ồn giúp con người phát hiện mối nguy không gian

Trí tuệ nhân tạo (AI) và các kỹ thuật điện toán tiên tiến đang trở thành những "đôi tai" thính nhạy hơn, giúp con người tràn đầy niềm tin sẽ khám phá ra những bí mật sâu kín nhất của vũ trụ.

Trong thế giới khoa học vũ trụ đầy bí ẩn, sóng hấp dẫn - những "gợn sóng" vô hình trên nền không - thời gian, từ lâu đã là đối tượng nghiên cứu đầy mê hoặc. Được nhà bác học Albert Einstein nhắc tới từ năm 1916 nhưng phải đến thế kỷ 21, các nhà khoa học mới thực sự "lắng nghe" được những âm thanh vọng lại từ những sự kiện vũ trụ. Giờ đây, một cuộc cách mạng mới đang diễn ra, khi trí tuệ nhân tạo (AI) và các kỹ thuật điện toán tiên tiến đang trở thành những "đôi tai" thính nhạy hơn, con người hoàn toàn có thể hy vọng rằng chúng ta sẽ khám phá ra những bí mật sâu kín nhất của vũ trụ.

Các "đôi tai" AI của con người trong cuộc săn lùng sóng hấp dẫn là những thiết bị vô cùng tinh vi, như các giao thoa kế đặt trên mặt đất LIGO và VIRGO, hay các mảng định thời xung như Mảng định thời xung Parkes. Những công cụ này có khả năng phát hiện những biến dạng nhỏ bé đến kinh ngạc trong không - thời gian, dấu hiệu của những cơn địa chấn vũ trụ như sự va chạm giữa các lỗ đen hay sự hợp nhất của các sao neutron.

Sóng âm trong vũ trụ được xem là một trong những bí ẩn nhân loại.

Sóng âm trong vũ trụ được xem là một trong những bí ẩn nhân loại.

Tuy nhiên, âm thanh của vũ trụ không phải lúc nào cũng trong trẻo. Dữ liệu thu thập được thường bị "nhiễu" và "trục trặc", khiến cho việc phân tích chính xác trở thành một thách thức không nhỏ. Đó là lúc trí tuệ nhân tạo thể hiện sức mạnh vượt trội.

Một bài đánh giá khoa học mới đây đã chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa sức mạnh điện toán tối tân và các hệ thống phát hiện vật lý đang tạo ra một bước nhảy vọt trong khả năng làm sạch và giải mã dữ liệu sóng hấp dẫn. Nhờ đó, chúng ta có thể xác định các nguồn gốc thiên văn của những "gợn sóng" này một cách chính xác hơn bao giờ hết.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Amity, Đại học Quốc gia Anant và Đại học Nghiên cứu Dầu mỏ và Năng lượng đã tập trung nghiên cứu bốn loại sóng hấp dẫn khác nhau, mỗi loại đòi hỏi những kỹ thuật phát hiện và phân tích riêng biệt. Trong cuộc chiến chống lại tiếng ồn vũ trụ, AI đã chứng minh được tiềm năng to lớn của mình, đặc biệt là các kỹ thuật học sâu.

Cơ sở Ligo.

Cơ sở Ligo.

Những công cụ như mạng nơ-ron tích chập (CNN), bộ tự mã hóa và mạng bộ nhớ ngắn hạn dài (LSTM) đang được sử dụng để "lắng nghe" sóng hấp dẫn và ước tính các đặc tính của chúng với độ chính xác đáng kinh ngạc. Những phương pháp này đã được áp dụng thành công trong việc nghiên cứu các sự kiện như sự hợp nhất của các sao neutron đôi hay sự va chạm giữa sao neutron và lỗ đen, hé lộ những chi tiết mà các phương pháp truyền thống có thể đã bỏ qua.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của AI là khả năng đối phó với "tiếng ồn" trong dữ liệu sóng hấp dẫn theo thời gian thực. Các mô hình AI có thể mô phỏng các dạng sóng và lọc bỏ những tín hiệu không liên quan, mang lại những kết quả "sạch" và đáng tin cậy hơn. Khả năng này không chỉ cải thiện các phương pháp phát hiện hiện tại mà còn giúp các nhà khoa học hiểu sâu hơn về các quá trình động lực học diễn ra trong vũ trụ bao la.

Sự hợp tác giữa trí tuệ nhân tạo và khoa học sóng hấp dẫn đang mở ra một kỷ nguyên khám phá mới. Bằng cách tối ưu hóa quá trình phân tích dữ liệu và nâng cao độ chính xác, những tiến bộ này có thể giúp chúng ta giải đáp những câu hỏi hóc búa nhất trong vật lý thiên văn, từ quá trình hình thành của các lỗ đen cho đến nguồn gốc xa xôi của vũ trụ. Trong tương lai không xa, có lẽ chính nhờ "đôi tai" AI tinh tường, con người sẽ "nghe" được những bí mật cuối cùng mà vũ trụ đang thì thầm, phòng tránh được nhiều mối nguy từ không gian.

Theo VietnamDaily
back to top