Khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông hùng vĩ

Hòa vào thiên tuyệt đẹp với 65 điểm di sản địa chất, địa mạo; khám phá gần 50 hang động, miệng núi lửa, thác nước hùng vĩ… là những gì du khách sẽ được trải nghiệm khi đến với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km2, nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn với ranh giới trải dài trên 5 huyện và một thành phố gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G'Long và thành phố Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông.

Hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Đăk Nông

Hồ Tà Đùng nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Đăk Nông

Điểm nhấn du lịch giữa đại ngàn

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có 5 ngọn núi lửa đã ngủ yên. Đây là nơi lưu giữ nhiều chứng cứ của hoạt động kiến tạo vỏ trái đất hơn 140 triệu năm trước.

Ở vùng này, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều xương hóa thạch của người tiền sử, cùng với các mũi tên đồng và các vật dụng của người Việt cổ từ cách đây gần 7.000 năm, làm từ đá, gốm sứ, xương và vỏ tôm cua.

Điểm nổi bật nhất của Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông có lẽ là hệ thống hang động núi lửa dài nhất khu vực Đông Nam Á, được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa Nâm Blang (Buôn Choah). Cho tới nay, hệ thống dung nham được tìm thấy trong khu vực chủ yếu liên quan đến núi lửa Nâm Blang, vì vậy nơi đây được ví như “trái tim của cánh đồng dung nham” rộng lớn và các hang động bao quanh chính là "mạch máu" của nó bởi sự dày đặc, liên hoàn.

Ngoài ra, còn có các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Tây… được tạo thành từ các sụt võng kiến tạo, các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Nâm Blang, Nâm Kar, Băng Mo.... và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Trinh Nữ, Dray Sáp.

Thác đá granite. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Đăk Nông

Thác đá granite. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Đăk Nông

Bên cạnh sự độc đáo của địa chất, hệ thống động thực vật trong Công viên địa chất rất phong phú với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: voi, hổ, bò rừng và nhiều loài linh trưởng... Đây là tiềm năng lớn để Công viên địa chất phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu về đa dạng sinh học... thu hút các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng - cảnh quan Đray Sáp và một phần phía Nam của Vườn quốc gia Yok Đôn tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút là những nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mà du khách có thể quan tâm, trải nghiệm khi đến đây.

Đặc biệt, với định hướng trở thành “Xứ sở của những âm điệu”, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thiết kế ba tuyến du lịch mang đậm chất nhạc (Trường ca của Lửa và Nước, Bản giao hưởng của Làn gió mới, Âm thanh từ Trái đất) nhằm kết nối, làm tăng giá trị các điểm di sản và tạo ra nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách trên hành trình khám phá công viên.

Mỗi tuyến du lịch đều được thiết kế để du khách có thể khám phá trọn vẹn các giá trị địa chất, văn hóa và thiên nhiên của vùng đất Đắk Nông. Từ 13 điểm di sản địa chất, 10 điểm di sản văn hóa vật thể, 6 điểm di sản thiên nhiên đến 3 di sản văn hóa phi vật thể và các điểm đối tác, cơ sở hạ tầng... đều hứa hẹn mang lại những trải nghiệm đầy thú vị, đáng nhớ.

Dãy núi lửa Nâm Kar. Ảnh: Dak Nong UNESCO Geopark

Dãy núi lửa Nâm Kar. Ảnh: Dak Nong UNESCO Geopark

Bí quyết để có chuyến trải nghiệm thú vị, trọn vẹn

Đắk Nông đẹp nhất vào mùa xuân, từ khoảng tháng 1 vì đã qua mùa mưa, trời trong xanh và mát mẻ, thác nhiều nước. Sang tháng 3 đầu tháng 4 là mùa nở rộ của hoa cà phê, tháng 5-6 là mùa hoa muồng hoàng yến. Du khách có thể tham khảo để cho chuyến hành trình khám phá thêm phong phú.

Cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác Liêng Nung. Ảnh: Thế Bảo

Cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác Liêng Nung. Ảnh: Thế Bảo

Theo chia sẻ của các tín đồ ưa xê dịch, để thuận lợi nhất, du khách nên bắt đầu chuyến đi tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Khoảng cách từ TP HCM đi Đắk Nông tầm hơn 250km với trung bình trên 6h nếu đi chuyển bằng ô tô.

Ngoài ô tô cá nhân, cũng có rất nhiều hãng xe cho du khách lựa chọn với mức giá từ 140.000 đồng/ người trở lên tùy dịch vụ.

Du khách cũng có thể chọn cách đi máy bay từ Hà Nội hoặc TP HCM tới sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), sau đó di chuyển từ đây xuống Gia Nghĩa với khoảng cách tầm hơn 100km.

Do lấy thành phố Gia Nghĩa là trung tâm của chuyến hành trình, nên du khách không lo thiếu các dịch vụ ăn uống, giải trí. Dịch vụ lưu trú ở đây cũng rất đa dạng với các loại hình nhà nghỉ, khách sạn, homestay, farmstay có giá dao động từ 300.000 đến gần 1,5 triệu đồng một đêm.

Cuối cùng, nếu muốn khám phá hành trình “Xứ sở của những âm điệu”, đừng ngần ngại liên hệ với Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông để tham khảo chi tiết.

Với các giá trị di sản mang tầm quốc tế và quốc gia, Công viên địa chất Đắk Nông đã chính thức được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020, trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam sau Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.

Công viên địa chất Đắk Nông đã thành công vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ nhất và chính thức được tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024-2027. Vào cuối tháng 12/2024, Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 năm 2024 cũng vừa được địa phương tổ chức.

Công viên địa chất là mô hình kết nối và tìm hiểu về khoa học Trái đất thông qua du lịch địa chất, nơi du khách có thể tìm hiểu về nguồn gốc và quá trình kiến tạo của bề mặt Trái đất. Mô hình này chú trọng vào công tác giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân và du khách, khuyến khích lối sống xanh và hài hòa với thiên nhiên.

Theo VietnamDaily
back to top