Các nhà thiên văn học vừa có một bước tiến lớn trong việc giải mã những tín hiệu vô tuyến bí ẩn từ vũ trụ xa xôi, được gọi là các vụ nổ sóng vô tuyến nhanh (FRB - những đợt sóng vô tuyến cực mạnh nhưng chỉ kéo dài nhiều nhất là một mili giây) Nghiên cứu mới nhất từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã hé lộ những manh mối quan trọng về nguồn gốc của tín hiệu sóng vô tuyến bí ẩn nhất vũ trụ này.
Kể từ khi FRB đầu tiên được phát hiện vào năm 2007, hàng ngàn tín hiệu tương tự đã được ghi nhận, đến từ những khoảng cách xa xôi, có khi lên tới 8 tỷ năm ánh sáng. Tuy nhiên, cơ chế chính xác tạo ra những đợt sóng vô tuyến cực mạnh kéo dài chỉ vài phần nghìn giây này vẫn là một bí ẩn lớn đối với giới khoa học.
Ảnh minh họa. (IndiaToday) |
Trong một công trình nghiên cứu mang tính đột phá được công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature, nhóm các nhà khoa học từ MIT đã tập trung vào FRB 20221022A, một tín hiệu được phát hiện từ một thiên hà cách chúng ta khoảng 200 triệu năm ánh sáng. Bằng cách phân tích hiện tượng "nhấp nháy" (scintillation) – sự thay đổi độ sáng tương tự như những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm – các nhà nghiên cứu đã có thể xác định vị trí nguồn gốc của vụ nổ này gần với "chính chủ" hơn rất nhiều so với những giả thuyết trước đây.
Kết quả phân tích cho thấy FRB 20221022A rất có thể đã bùng phát từ một khu vực nằm trong vòng bán kính 10.000 kilomet xung quanh một sao neutron đang quay, cụ thể là từ quyển của nó. Đây là một vùng không gian bao quanh sao neutron, được đặc trưng bởi từ trường cực kỳ mạnh mẽ, vượt xa mọi thứ chúng ta từng biết trên Trái Đất.
Kenzie Nimmo, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: "Trong môi trường của các sao neutron, từ trường đạt đến giới hạn cao nhất mà vũ trụ có thể tạo ra". Phát hiện này cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy FRB có thể bắt nguồn từ những môi trường từ trường vô cùng hỗn loạn và khắc nghiệt, nằm sát các sao neutron, hay còn gọi là sao từ (magnetar). Từ trường ở những khu vực này mạnh đến mức các nguyên tử không thể tồn tại mà sẽ bị xé tan bởi lực từ khủng khiếp.
Để thu thập dữ liệu cho nghiên cứu quan trọng này, các nhà khoa học đã sử dụng thông tin từ Thí nghiệm Lập bản đồ Cường độ Hydro của Canada (CHIME). Kể từ khi đi vào hoạt động, CHIME đã giúp tăng đáng kể số lượng FRB được phát hiện nhờ khả năng "lắng nghe" được một dải rộng các phát xạ vô tuyến từ vũ trụ. Thiết kế độc đáo của CHIME đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về những vụ nổ bí ẩn này và liệu đó có phải tín hiệu ngoài hành tinh đang tiếp cận Trái Đất.
Với kỹ thuật phân tích "nhấp nháy" mới được phát triển, các nhà thiên văn học hy vọng sẽ khám phá thêm nhiều điều thú vị về FRB và nguồn gốc đa dạng của chúng. Theo bà Nimmo, "Có thể có rất nhiều sự khác biệt trong cách thức và địa điểm mà chúng xảy ra", gợi mở rằng các nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục vén bức màn bí mật bao quanh những sự kiện vũ trụ đầy năng lượng này. Phát hiện mới nhất này không chỉ làm sâu sắc thêm kiến thức của chúng ta về vũ trụ mà còn mở ra những hướng đi mới trong việc tìm hiểu về những hiện tượng vật lý khắc nghiệt nhất trong vũ trụ.