Tiết kiệm điện khi dùng điều hòa
Máy điều hòa gia dụng được sử dụng rất phổ biến trong các gia đình, nguyên lý làm việc của máy điều hòa cũng như các thiết bị làm lạnh sẽ bao gồm dàn ngưng (dàn nóng), dàn lạnh (dàn bay hơi), máy nén sử dụng điện và thiết bị tiết lưu để giảm nhiệt độ của môi chất (ga lạnh).
Lượng điện tiêu thụ trong máy điều hòa tương đối lớn, công suất điện của động cơ máy nén thông thường tiêu hao trên 1KW, tùy thuộc năng suất lạnh của máy. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ trên 1,2 triệu máy điều hòa. Tổng lượng điện tiêu thụ cho điều hòa ở các nước có thể lên tới 4-6% lượng điện tiêu thụ chung, như vậy điều hòa đã tiêu tốn một lượng điện đáng kể.
Khi sử dụng điều hòa để tiết kiệm điện cần chú ý những điểm sau: Đặt nhiệt độ điều hòa phù hợp với yêu cầu của mỗi người nhưng phải chú ý là không đặt nhiệt độ thấp quá vì nhiệt độ càng thấp thì điện năng tiêu hao càng cao. Đặc biệt, khi đặt nhiệt độ điều hòa cũng phải chú ý đến điều kiện vệ sinh cho người sử dụng. Điều kiện vệ sinh cho phép là nhiệt độ trong phòng điều hòa và nhiệt độ bên ngoài không chênh lệch nhau quá 10 độ C vì từ phòng lạnh ra ngoài chỗ nóng con người dễ bị cảm.
Hàng năm phải bảo dưỡng máy điều hòa, đặc biệt là vệ sinh sạch sẽ cả dàn nóng và dàn lạnh vì nếu dàn nóng dàn lạnh bẩn quá trình trao đổi nhiệt kém việc làm lạnh cũng kém đi và điện năng tiêu hao sẽ lớn hơn. Phòng lắp đặt điều hòa cần phải kín không có khe hở thông với bên ngoài và nếu được cách nhiệt thì càng tốt.
Để tiết kiệm điện khi trời nắng nóng, nên sử dụng các biện pháp như che nắng cho cửa sổ phía ngoài, có rèm cửa phía trong. Dùng thêm quạt máy khi đang bật điều hòa cũng có thể tiết kiệm năng lượng khoảng 10%.
Tăng cường cây xanh trong nhà
Giữa thời tiết nắng nóng, nhiệt độ từ 35-40 độ C, những chậu cây xanh mướt chính là "liều thuốc giải nhiệt" cho không khí cũng như tinh thần của bạn, đồng thời cũng tạo nên không gian xanh làm dịu bớt đi tác động của ánh nắng gay gắt chiếu vào nhà.
Ảnh minh họa.- Ảnh: internet. |
Sử dụng rèm cửa để tránh ánh sáng
Khi thời tiết quá nắng, việc kéo rèm vào sẽ giúp không khí trong nhà mát mẻ, thoáng đãng hơn. Thay vì các loại rèm mỏng, vẫn rọi được ánh sáng vào nhà, bạn nên cân nhắc chọn mua loại rèm có màu sắc trung tính với chất liệu màu trắng bên trong vải tráng nhựa. Loại rèm xếp li này có thể giảm khí nóng lên đến 33%.
Rút nguồn thiết bị điện khi không sử dụng
Có một sự thật rằng, các thiết bị điện như máy tính, tivi, loa đài,… ngay cả khi đã tắt đều có thể tốn điện năng. Tuy điện năng tiêu tốn tại thời điểm đó không cao nhưng xét về lâu về dài, số tiền bạn phải bỏ ra cũng nhiều đáng kể. Vì vậy nên lưu ý rút nguồn các thiết bị khi không sử dụng.
Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc trong giờ cao điểm
Trong khoảng thời gian cao điểm từ 9h30-11h30 sáng và 17h-20h tối, các hộ gia đình chỉ nên sử dụng những thiết bị cần thiết và những thiết bị tiết kiệm điện đã được chứng nhận.
Sử dụng tủ lạnh đúng cách
Đặt tủ cách tường ít nhất 10 cm. Đảm bảo nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3-6 độ C và âm 15 đến âm 18 độ C với chế độ đông lạnh.
Đặc biệt hạn chế mở tủ lạnh vào những ngày này vì mỗi lần mở, tủ lạnh lại gặp một luồng khí nóng khiến chúng phải cân bằng lại nhiệt độ đã thiết lập. Điều này gây tốn nhiều điện năng hơn.
Lắp bóng đèn tiết kiệm điện
Thay vì mỗi phòng lắp một thiết bị chiếu sáng, việc dùng chung một bóng sẽ tiết kiệm tối đa lượng điện mà bạn sử dụng.
Đối với các thiết bị điện dùng trong gia đình, bạn nên chọn loại bóng đèn led, không nên dùng đèn sợi đốt vừa gây nóng bức vừa tốn điện năng. Ngoài ra, nên tận dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện./.