16 em học sinh bị ngộ độc vì trà sữa
Chiều 27/2, bác sĩ Võ Hưng Lựu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và cấp cứu 16 em học sinh tiểu học trường tiểu học Kim Đồng, thuộc thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị ngộ độc. Theo đó, hồi 11h trưa cùng ngày (27.2), Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình tiếp nhận 16 em học sinh nhập viện với các triệu chứng nôn, đau bụng. Các bác sĩ đã tiến hành rửa ruột điều trị cho các em. Đây không phải là trường hợp đầu tiên nghi ngộ độc do trà sữa. Vì sao các vụ ngộ độc trà sữa vẫn cứ liên tiếp xảy ra?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, nguy hiểm nhất trong cốc trà sữa chính là hạt trân châu. Hạt trân châu là hạt làm từ bột sắn, nhưng một số người muốn làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn nên họ cho phẩm màu vào tạo nên những hạt trân châu xanh, đỏ, và cả màu đen….
Cái đó mới là cái đáng nghi ngại. Vì chúng ta không thể kiểm soát được người sản xuất tạo ra sản phẩm đó. Khi người tiêu dùng ăn những hạt trân châu có chứa phẩm màu đó, không phải màu thực phẩm mà phẩm màu công nghiệp hay bất cứ loại chất gì khác cũng rất dễ gây ngộ độc.
Thứ nữa mới là thành phần trà, nếu người sản xuất sử dụng loại trà bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật chẳng hạn, cũng có khả năng bị ngộ độc. Cốc trà sữa trân châu đó là tổ hợp của rất nhiều loại, nhưng điều quan trọng là khi họ pha chế cốc trà sữa đó họ pha chế như thế nào? Bằng nước gì? Trong môi trường nào? Có bị nhiễm bẩn hay không?
Trong trà sữa thì có ngọt, và có thêm cả sữa nữa hoặc có những người cho hương liệu sữa vào cốc trà đó, và nếu không kiểm soát thì rất dễ gây ngộ độc. Uống trà sữa không rõ nguồn gốc cũng đồng nghĩa với nguy cơ mỗi ngày bạn uống một lượng hóa chất độc hại cho cơ thể
Trẻ em “nghiện” trà sữa sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Dùng nhiều sẽ gây tổn thương lớn cho gan và thận. Thậm chí suy gan, thận ở những cơ địa trẻ có đề kháng yếu. |
Bột màu tổn thương gan, thận
PGS.TS Trần Hồng Côn, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, nếu nguyên liệu pha trà lữa là bột màu, hương liệu công nghiệp, đường hóa học… thì rất độc hại. Dùng nhiều sẽ gây tổn thương lớn cho gan và thận. Thậm chí suy gan, thận ở những cơ địa trẻ có đề kháng yếu.
Ngoài ra, thành phần trong trà sữa toàn chất béo bão hòa và axít chuyển hóa lớn, không có canxi, những thành phần này đều không tốt cho sức khỏe của trẻ đang tuổi lớn, cần nhiều vitamin bổ dưỡng để phát triển trí não cũng như thể lực. Sử dụng trà sữa không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài có nguy cơ bị nhiễm độc thực phẩm mãn tính.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng cho biết, trong trà sữa, dinh dưỡng không đa dạng nên nếu uống nhiều sẽ gây hại. Ngoài ra, người ta thường sử dụng nhiều loại phụ gia để pha chế như chất tạo bọt, tạo mùi, tạo màu, chất chống vón, làm ngọt… Nếu những loại phụ gia này kém chất lượng thì khả năng gây ngộ độc sẽ cao.
Trẻ em “nghiện” trà sữa sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Cha mẹ nên điều chỉnh thói quen uống trà sữa thường xuyên của trẻ, thay bằng các loại đồ uống tươi, có nhiều chất dinh dưỡng với thành phần tự nhiên như nước hoa quả, nước từ các loại lá, củ… để tránh trường hợp trẻ bị lệ thuộc vào đường, thừa cân, béo phì, thậm chí là ngộ độc vì trà sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc.
“Ngoài ra, bột tạo màu không rõ nguồn gốc dễ gây tổn thương gan, thận. Do đó, khuyến cáo đưa ra là nên hạn chế uống trà sữa, tuyệt đối không uống thường xuyên, hàng ngày. Chỉ uống trà sữa của các thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng, không sử dụng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Nguyên tắc của dinh dưỡng là phải cân bằng các thành phần, do đó không nên uống trà sữa như thức uống hàng ngày”, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết.
Trà sữa không chỉ dễ gây ngộ độc mà khi sử dụng trà sữa lâu dài sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đáng tiếc là nhiều em học sinh bây giờ rất thích đồ uống này”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.