Chị L.T.H (41 tuổi), là giáo viên, bị chứng ho kéo dài suốt chục năm nay. Chị đi khám nhiều nơi nhưng chỉ được chẩn đoán viêm họng mạn tính, điều trị không khỏi do bệnh “nghề nghiệp”. Chị lo sợ, chán nản và nghĩ mình bị bệnh ác tính. Lần này, chi đi khám tại Bệnh viện Phổi TƯ kết quả chụp cắt lớp vi tính ngực phát hiện dị vật phế quản. Các bác sĩ đã nội soi và gắp được hạt hồng xiêm trong phế quản và sau đó chị đã hết ho. Chị thực sự kinh hãi vì đã bị hóc hạt hồng xiêm này từ 10 năm trước.
Lời bàn:TS.BS Vũ Khắc Đại, Phó Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp Bệnh viện Phổi TƯ cho biết, trường hợp trên là bị dị vật bỏ quên trong đường hô hấp. Nguyên nhân là do trong lúc ăn uống bị sặc thức ăn, dị vật rơi vào đường hô hấp và người bệnh không biết hoặc biết nhưng không có biểu hiện lại nghĩ dị vật đã theo đường tiêu hóa ra ngoài. Hai là triệu chứng bệnh giống một số bệnh khác nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua như trường hợp của chị H.
Trước đây, đã có rất nhiều trường hợp hóc dị vật là các hạt trái cây mà người bệnh không hề hay biết. Dị vật có thể nằm cả chục năm trong cơ thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, khi ăn trái cây cần bỏ hạt. Nếu sau khi ăn, uống có tình trạng hóc dị vật thoáng qua (thường biểu hiện bằng cơn ho sặc sụa một lúc rồi hết), sau đó xuất hiện tình trạng ho kéo dài, người bệnh nên đi khám chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng để phát hiện nguy cơ có dị vật bỏ quên trong phế quản.