Cứu được mạng nhưng tàn phế
Bệnh nhân S.C. (39 tuổi, người Campuchia), nhập viện trong tình trạng phỏng điện 16% độ 2,3,4 ở tứ chi. Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc anh S.C. leo lên nóc nhà thì vô tình chạm vào điện cao thế, điện giật làm anh té ngã. Anh được đưa đi sơ cứu tại bệnh viện Campuchia, nhưng do vết thương quá nặng, nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tiếp tục điều trị.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 10/6/2019 trong tình trạng chân tay lạnh, co quắp. Mặc dù được tích cực điều trị, cắt lọc da hoại tử nhưng vì vết phỏng quá sâu, hoại tử nặng nên buộc phải đoạn cả 4 chi để giữ tính mạng cho bệnh nhân.
Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng tay phải và trái, cắt 1/3 giữa cẳng chân phải và trái. Sau 9 ngày điều trị, hiện tính mạng bệnh nhân đã qua nguy kịch, tuy nhiên phải chịu cảnh sống tàn phế.
Một trường hợp thương tâm khác, bệnh nhân N.A.K. (41 tuổi, quê Bình Định), nhập vào bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tay chân bị phỏng điện.
Anh K.là thợ hồ, trong lúc đang xây dựng trên cao thì chẳng may bị điện cao thế phóng giật té xuống đất, bị chấn thương sọ não, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.
Bệnh nhân K.đã phải trải qua 7 lần phẫu thuật cắt lọc hoại tử, tuy nhiên vẫn không giữ lại được 2 tay và một chân bên trái. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái, 1/3 trên cẳng tay trái và 1/3 giữa cẳng tay phải.
Tổn thương do phỏng điện cao thế là rất nghiêm trọng
Theo TS.BS Ngô Đức Hiệp, phỏng do điện cao thế hầu hết là phỏng sâu, tiên lượng rất xấu nếu diện tích phỏng lớn và ở các vị trí nguy hiểm tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với điện.
Bệnh nhân bị đoạn chi do phỏng điện đang điều trị tại Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. |
Những tổn thương do phỏng điện cao là rất nghiêm trọng, đặc biệt là điểm vào và điểm ra của dòng điện cao thế gây tổn thương là hoại tử khô cứng chu vi chi nơi điện vào và tổn thương dọc theo đuờng dẫn của dòng điện đi qua cơ thể, nguy cơ cắt cụt chi cao do đông tắc các mạch máu hoặc hoại tử các khối cơ lớn, hoại tử cơ xương gây ra các biến chứng rất nặng nề như hoại tử tế bào gan, suy thận cấp, nhiễm độc gây nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ra, phỏng điện còn gây tổn thương thần kinh đối với các trường hợp điểm vào ở vùng đầu. Có trường hợp hoại tử hết độ dày của xương sọ đến tận màng não, hay gặp nhất là hoại tử các dây thần kinh nơi dòng điện đi vào cơ thể.
Tổn thương mạch máu, hoại tử sâu ở chi là điều gần như xảy ra ở tất cả các bệnh nhân phỏng điện cao thế có điểm vào ở tay và điểm ra ở chân, hay gặp nhất là tổn thương ở bàn tay, cổ tay gây đông tắc động mạch quay, động mạch trụ và toàn bộ khối cơ vùng bàn tay, cổ tay.
Nếu có tổn thương phỏng quá rộng hoặc hoại tử các khối cơ lớn sẽ làm phóng thích một lượng lớn độc tố phỏng gây hiện tượng nhiễm độc nặng toàn thân và suy gan cấp, suy thận cấp.
Cách sơ cứu khi bị điện giật là cắt nguồn điện ngay bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Nếu không với tới được dây điện, công tắc thì đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa, dùng cây hay cán chổi, chiếc ghế đẩu đẩy tay chân nạn nhân ra khỏi nguồn điện, không được sờ vào nạn nhân nếu nạn nhân chưa tách khỏi nguồn điện.
Sau khi đã ngắt điện, nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu ấn tim thổi ngạt khi có ngưng thở ngưng tim. Không được chạm tay trực tiếp kéo nạn nhân ra trong khi nguồn điện chưa bị ngắt. Nếu có vết phỏng, đừng bóc đi phần da chết hoặc làm bể các vết phỏng giộp và không dùng đá lạnh, thuốc sứt kem hoặc mỡ bôi vào vết phỏng.