Khó kiểm soát
Ông Nguyễn Xuân Khương, Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cho biết, qua kiểm tra 78 doanh nghiệp đã phát hiện 391 C/O giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện. Cuối năm 2019 đã phát hiện một Công ty Cổ phần có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường 25, quận Bình Thạnh (TPHCM) không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên VCCI để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong tháng 10/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 527 vụ; xử lý 421 vụ; phạt hành chính gần 3 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 4 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 138.000 vụ việc vi phạm (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách hơn 15.678 tỷ đồng (tăng 26,5% so với cùng kỳ), khởi tố 1.497 vụ việc và 1.800 đối tượng.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử hiện tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính. Gồm: Đồ công nghệ điện tử; quần áo, giầy dép, mỹ phẩm; đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã nhận được 176 khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ.
Qua theo dõi, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện một số website trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ như youtube.vn, bmw.com.vn, subway.com.vn… Một số tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ là: intelt.vn, kodark.com, panasonica.com… hay tên miền chứa đựng nhãn hiệu đã được bảo hộ và từ mô tả liên quan như laptopdell.com, macsaigon.vn, daunhotshell.com.vn… Truy cập vào những trang này, người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái là khó tránh.
Lợi dụng sự thiếu quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp; việc cập nhật kiến thức, thông tin chưa đầy đủ của người tiêu dùng về phân biệt hàng thật, hàng giả, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả nhãn mác Việt Nam, hoặc giả các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Nâng cao "nhận thức" vẫn là giải pháp chính
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, việc ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái hiện nay còn nhiều vướng mắc bởi phương thức bán hàng ngày càng tinh vi, người bán thường hay phân nhỏ hàng hóa, chỉ có hàng online mà không có hàng vật lý… nên khó bị phát hiện. Ngành Công Thương cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Công An, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu.
Ông Hồ Tùng Bách, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, để hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý. Những vụ việc vi phạm cần được công bố rộng rãi để từ đó nâng cao trách nhiệm và có sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và tuyên truyền thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc phát hiện, đấu tranh với hành vi sản xuất, kinh doanh và tàng trữ hàng giả, hàng nhái.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cũng cho rằng, vấn đề chống hàng giả, hàng nhái không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà đòi hỏi sự tham gia của cả giới doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Khi nào vẫn còn người tiêu dùng hàng giả, hàng nhái thì loại hàng hóa này vẫn còn môi trường để tồn tại.
Ông Thịnh ví dụ, gần đây nhất xảy ra vụ việc Hoa Kỳ tịch thu và phạt 50.000USD cho 2 container hàng quần áo nhập khẩu từ Myanmar. Nguyên nhân vì công ty sản xuất đã sử dụng phần mềm bất hợp pháp để điều khiển máy cắt trong quá trình làm ra những bộ quần áo đó. Vụ việc cho thấy vấn đề sở hữu trí tuệ trên thế giới hiện rất nghiêm ngặt. Việt Nam đã bước vào hội nhập “sâu rộng”, vì vậy các doanh nghiệp, người tiêu dùng cần phải trang bị kiến thức để tránh vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ...
Ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cũng cho hay, khi Việt Nam đã cam kết và thực thi các Hiệp định thương mai tự do (FTA), hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao tìm cách chuyển bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo, hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu… để lẩn tránh thuế suất cao. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế, hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường, nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Do vậy, các cơ quan quản lý cần rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.