Hạn chế ăn gói gia vị trong mì tôm

(khoahocdoisong.vn) - Gói gia vị ăn liền khá phổ biến trong nhiều gói mỳ tôm hay còn gọi mì ăn liền. Theo các chuyên gia, nên hạn chế ăn gia vị này.

Không nên dùng hết gói gia vị

Mỳ tôm là món ăn phổ biến ở trong nhiều gia đình. Khi ăn mỳ, nên sử dụng các gói gia vị trong gói mỳ như thế nào? Nhiều người cho rằng phải cho tất cả các gói gia vị vào tô mì thì mới ngon vì nhà sản xuất đã tính toán đến các yếu tố tối ưu để đảm bảo hương vị và dinh dưỡng cho gói mì. Hơn nữa, nhiều loại gói gia vị được quảng cáo là thịt tươi, rau tươi, mà hạn sử dụng lâu như vậy thì liệu có chứa chất bảo quản gây hại cho sức khỏe hay không?

Chị Vũ Lan Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) gửi thắc mắc đến KH&ĐS về việc dùng các gói gia vị này có độc hại không, có nên thay thế bằng các loại gia vị khác trong nhà bếp? Nhiều người có thói quen thích dùng các gói gia vị trong mì tôm để chấm các loại trái cây chua khác, điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay tùy theo nhà sản xuất, thành phần trong các gói gia vị sẽ khác nhau nhưng chúng đều có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phần chính là muối, mì chính, bột gia vị (gừng, thảo quả,...). Còn gói mỡ được gọi là dầu sa tế, trong quá trình đun dầu, họ cho ớt để tạo độ cay. Do đó, khó có thể nói là các gói gia vị này gây độc hại cho sức khỏe do có chất bảo quản. Về việc sử dụng như thế nào cho phù hợp thì tùy khẩu vị từng người để nêm nếm cho vừa miệng. Cho rằng phải dùng hết các gói gia vị thì mì mới ngon là không đúng.

Riêng gói muối, độ mặn thường được làm theo tiêu chuẩn châu Âu, hợp khẩu vị với người ăn mặn nhất. Do đó, người ăn nhạt có thể điều chỉnh, chỉ nên ăn một nửa gói muối. Xét về các thành phần hóa học, gói gia vị không chứa hóa chất hay phụ gia không an toàn. Nhưng trong quá trình ăn, chúng ta nên hạn chế bởi muối hay dầu mỡ… đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nếu dùng quá liều lượng theo khuyến cáo.

Nguy hại là chất béo bão hòa

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, ngoài gói gia vị là muối thì cũng nên hạn chế gói mỡ hành ở trong mì, vì loại mỡ này không có lợi cho cơ thể giống như loại mỡ chúng ta ăn hằng ngày do đã được chế biến dưới nhiệt độ cao. Tốt nhất khi ăn mỳ nên ăn kèm rau xanh cũng như các loại thịt khác và hạn chế sử dụng các gói gia vị ăn liền. Mì ăn liền vốn được chiên qua dầu, vì thế lượng chất béo bão hoà (khó tan) khá nhiều. Đây là chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch nếu đi vào mạch máu, gây xơ vữa động mạch. Chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn bao nhiêu mì ăn liền sẽ bất lợi cho sức khoẻ. Nhưng việc bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng, nhiều chất béo bão hoà sẽ khiến cơ thể thiếu nhiều dưỡng chất như đạm, vitamin, kẽm, chất xơ…

Thành phần chính của mì gói là mì ép thành bánh và bột nêm. Trên thế giới, mì thường được xử lý qua công nghệ sấy và chiên. Ở Việt Nam hiện nay, mì chỉ được xử lý qua công nghệ chiên. Dầu sử dụng để chiên là loại shortening (loại mỡ nhân tạo) không có lợi cho sức khỏe. Mì chiên có độ oxy hóa cao (oxy hóa là tác nhân gây ra các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư). Gói bột nêm là muối và bột ngọt; lượng thịt, tôm ( nếu có ) rất hạn chế. Dầu trong gói bột nêm cũng được xử lý chiên, bị oxy hóa. Ngoài ra, trong các loại thực phẩm đóng gói, đóng hộp có rất nhiều muối. Ở mì ăn liền, muối có trong sợi mì và trong gói bột nêm chiếm 1/3 lượng muối cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

“Dùng hết gói gia vị trong mỳ tôm, thậm chí là cho thêm gia vị, chứng tỏ bạn đang ăn quá mặn và cần phải điều chỉnh, giảm dần số muối trong những lần ăn tiếp theo”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Theo Đời sống
back to top