Loại mì tôm bào ngư có giá lên tới 120.000-150.000đ/gói đang gây sốt trên thị trường.
Mì tôm 150.000đ/gói
Khoảng gần tháng nay, thị trường buôn bán hàng xách tay online sôi động hơn khi loại mì tôm bào ngư xách tay từ Malaysia lên cơn sốt. Mì tôm bào ngư, ngoài mì tôm, gia vị mì thì có kèm 2 con bào ngư thật. Theo phản ánh của một số khách hàng, loại mỳ tôm này nấu lên ăn thấy mì ngon, nước ngọt thanh và bào ngư thì giòn khá hấp dẫn. Tuy nhiên, giá của loại mì tôm này khá “chat”.
Nếu mua lẻ, giá một gói mì loại này lên tới 150.000đ, còn mua theo thùng là 1,2 triệu đồng/thùng 10 gói. Ghi nhận trên thị trường, loại mì tôm bào ngư này đang được rao bán khá nhiều với mức giá từ 120.000-150.000 đồng/gói, tùy số lượng mua ít hay nhiều. Song, đa phần các chủ hàng đều cho biết, khách muốn ăn phải đặt trước khoảng 3-5 ngày, rất ít cửa hàng có sẵn mì bào ngư bán.
TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, cùng với yến sào và vi cá mập, bào ngư được xem là món ăn quý trong các bữa tiệc sang trọng. Bào ngư bám vào đá ở vùng nước biển có độ mặn cao 25-30%, hay có sóng, xa cửa sông, nước trong.
Thức ăn của bào ngư gồm các loài rong tảo biển, mùn bã hữu cơ. Bào ngư là một trong những sản phẩm quý của biển vì môi trường sống khá khắc nghiệt, sản lượng thấp. Bào ngư phải trải qua một quá trình gia công rất công phu mới có thể trở thành bào ngư khô. Đây là những nguyên nhân làm cho giá bào ngư tăng cao và khiến bào ngư trở thành quý hiếm.
Ở nước ta, bào ngư phân bố tại vịnh Hạ Long, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô, Khánh Hòa, quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, đảo Phú Quốc, hòn Thơm, hòn Vang, hòn Mây Rút, mũi Ông Đội, mũi Đất Đỏ, đảo Thổ Chu. Ở các nước khác cũng có bào ngư, giá cả tùy thuộc từng loại, từng vùng từ 1-2 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/kg.
Nên ăn bào ngư tươi
Băn khoăn về “sự kết hợp lạ đời” giữa bào ngư là một loại hải sản đắt tiền, có giá trị, với mì tôm là thức ăn bình dân, giá trị thấp, ít dinh dưỡng, TS Nguyễn Văn Vượng, chuyên gia về công nghệ thực phẩm, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đặt câu hỏi, không hiểu người ta kết hợp như thế để làm gì.
Có phải đây là “cuộc chạy đua sang chảnh” của những người có tiền, thích những món lạ hơn là vì nó bổ dưỡng. Giống như đem yến sào đi nấu với bánh đa thì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Mì tôm thông thường được quảng cáo là vị cua, bò, gà… thực ra chỉ có các chất thơm của cua, bò, gà chứ không phải là thịt tươi. Còn mì tôm bào ngư này có hai con bào ngư thật ở bên trong, thì có thể nói là sự kết hợp không hài hòa.
“Ăn như thế, mì tôm vẫn là mì tôm, bào ngư vẫn là bào ngư, nhưng nó không đáng. Bào ngư đã được sấy khô để ăn liền thì cũng chưa chắc đã tốt. Thông thường các thực phẩm đã qua chế biến thì độ tin cậy thấp. Bào ngư rất bổ dưỡng, nhưng chế biến rồi thì chất lượng thay đổi như thế nào ta không biets được.
Thậm chí còn có khả năng người ta sử dụng bào ngư rởm. Giống như thịt bò khô được làm giả từ thịt lợn khô, hay nai khô được làm giả từ trâu khô… thì không ai phân biệt được. Do đó, cứ thực phẩm tươi, chính gốc mà ăn thì tốt hơn nhiều”, TS Nguyễn Văn Vượng cho biết.
Ăn mì tôm bào ngư có bổ dưỡng không? Theo TS Nguyễn Văn Vượng, nếu chỉ ăn 1 -2 gói mỳ tôm, một vài con bào ngư thì gần như không có tác dụng gì nhiều. Muốn bồi bổ sức khỏe, phải ăn với số lượng nhiều và thường xuyên.
Nếu có điều kiện, hãy mua bào ngư tươi về để chế biến thành các món yêu thích mà ăn. Không nên kỳ vọng ăn mì tôm bào ngư thì bổ dưỡng, bởi không có cơ sở nào chắc chắn để khẳng định bào ngư trong gói mỳ tôm đó vẫn còn nguyên hoạt chất cả.
“Khi thưởng thức những đặc sản có giá thành cao, tốt nhất là nên dùng chính phẩm. Ví dụ như tổ yến nguyên chất hấp lên ăn tốt hơn nhiều so với nước yến. Những sản phẩm đã qua chế biến, thường còn lại rất ít hoạt chất”,
TS Nguyễn Văn Vượng
Bảo Khánh