Khinh hạm được chế tạo theo đơn đặt hàng của một quốc gia ở Đông Nam Á. Hợp đồng thực hiện trong thời hạn ba năm.
Theo thông cáo báo chí của công ty, Rafael sẽ cung cấp cho khách hàng một tổ hợp hệ thống tác chiến hải quân tiên tiến, bao gồm Hệ thống quản lý điều hành tác chiến (CMS), Hệ thống vũ khí chống hạm điều khiển từ xa Typhoon và Mini-Typhoon, Tên lửa Spike Hải quân, Hệ thống liên lạc nội bộ Sea-Com và Liên kết dữ liệu chiến thuật BNET, các thành phần phụ trợ khác với các dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật, chương trình huấn luyện khai thác sử dụng.
Ran Tavor, Phó chủ tịch công ty, chủ nhiệm ban giám đốc Hệ thống tác chiến hải quân của Rafael cho biết:
“Các ứng dụng kỹ thuật Hải quân của công ty tích hợp những công nghệ tiên tiến, đột phá đã được kiểm nghiệm và chứng minh trong chiến đấu, sử dụng trong các hệ thống Rafael trên nhiều lĩnh vực quân sự khác nhau. Lợi thế quan trọng trong sản phẩm của chúng tôi là bề dầy kinh nghiệm, được tích lũy trong các dự án hải quân lớn với khách hàng trên toàn thế giới.
Có rất nhiều các hệ thống hải quân chuyên biệt sử dụng những công nghệ tiên tiến mới nhất nổi tiếng thế giới của Rafael. Như hệ thống tên lửa chống hạm tiên tiến sử dụng thiết bị tìm kiếm điện quang, thị giác máy tính, Trí tuệ nhân tạo và các thuật toán ra quyết định...
Những công nghệ này cho phép khách hàng có khả năng có nhiều lựa chọn phù hợp, cung cấp cho khách hàng các phương tiện chiến đấu có độ chính xác cao, tính linh hoạt và khả năng thích ứng để giải quyết hiệu quả các mối đe dọa hiện tại và tương lai, đáp ứng các yêu cầu thực tế chiến đấu và nhu cầu vũ khí trang bị”.
Theo Naval News, khách hàng có thể là Hải quân Philippines. Israel Shipyards đã ký một hợp đồng trị giá 128 triệu USD cung cấp 8 tàu tấn công nhanh Shaldag Mk V (FAC) tháng 1 2021. 4 trong số 8 tàu được trang bị hệ thống phóng tên lửa Spike-NLOS Typhoon.
Hãng thông tấn nhà nước Philippines (PNA) dẫn lời Phó Đô đốc PN Giovanni Carlo Bacordo ngày 14/5 cho biết, Hải quân Philippines (PN) sẽ nhận được 3 trong số 8 tàu tuần tra nhanh Shaldag Mk V đầu tiên từ Israel Shipyards vào quý I năm 2022.
Các khinh hạm được cung cấp đáp ứng yêu cầu cấp thiết của PN về tàu tuần biển tấn công nhanh có khả năng mang tên lửa (FAIC-M), dự kiến được triển khai tại 'khu vực trách nhiệm Mindanao', nơi thường xuyên tiến hành các hoạt động hải quân chống các nhóm khủng bố.
Theo phó đô đốc Hải quân Philippine, những khinh hạm có chiều dài 32,65m, rộng nhất 6,2m, có tốc độ tối đa 40 hải lý được cho là “phù hợp nhất trong các hoạt động không chỉ chống lại các nhóm khủng bố mà còn chống lại các phần tử bất hợp pháp khác, hoạt động ở các vùng nước ven biển”.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Israel Shipyards thông báo thắng thầu cung cấp Shaldag Mk V cho hải quân của một quốc gia Đông Á. Hợp đồng bao gồm chuyển giao kiến thức khai thác sử dụng và huấn luyện đào tạo liên quan đến xây dựng và bảo trì chiến hạm, nâng cấp nhà máy đóng tàu của khách hàng cho mục đích này.
Phó đô đốc Bacordo cho biết, dự án bao gồm hai lô, trị giá khoảng 10 tỷ PHP (209,4 triệu USD). Lô 1 dành cho việc mua sắm chiến hạm và nâng cấp Nhà máy đóng tàu Hải quân Cavite, lô 2 dành mua sắm các hệ thống vũ khí trên tàu, bao gồm các hệ thống tên lửa và súng được điều khiển từ xa.