Hải đồng bì phân bố rộng, ở châu Á, loài này phổ biến ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Malaysia, Indonéia, Philippines, thường gặp trong các bụi dọc bờ biển, lân cận với các rừng ngập mặn và trong rừng thưa. Nhiều nơi ở nước ta cây được trồng làm bóng mát.
Theo Đông y, hải đồng bì vị đắng, cay, tính ôn, vào kinh can, có tác dụng khu phong, thông lạc, hóa thấp, sát trùng. Dùng trị chứng thắt lưng đùi do phong thấp, nhức mỏi chân tay... Để chữa nhức xương khớp do phong thấp, dùng vỏ hải đồng bì, cỏ chân chim, kê huyết đằng, phòng kỷ, ý dĩ sao, ngưu tất mỗi vị 15g, sắc uống. Nếu thắt lưng, đầu gối đau nhức, dùng hải đồng bì, ngưu tất, xuyên khung, khương hoạt, địa cốt bì, ngũ gia bì, cam thảo, ý dĩ nhân, sinh địa, liều vừa đủ ngâm rượu uống.
Đối với người sau sinh, máu xấu đưa lên choáng đầu, mờ mắt, dùng vỏ cây hải đồng bì già, lá mần tưới, cỏ mần chầu, ngưu tất, mỗi vị 10 - 15g, sắc uống. Phụ nữ rong kinh, kinh nguyệt không đều, dùng hoa hải đồng bì 30g sắc uống. Mùa hè phụ nữ và trẻ em hay mắc bệnh ngoài da, dùng hải đồng bì, vỏ cây dâm bụt, xà sàng tử, rễ chút chít lượng thích hợp, tán nhỏ, pha thành rượu liều lượng 1/5, bôi ngoài da.