Hạch vùng đầu mặt cổ ở trẻ em có nguy hiểm?

Hạch vùng đầu mặt cổ xuất hiện ở con trẻ thường gây lo lắng cho nhiều phụ huynh. Trên thực tế phần lớn đây là các tổn thương lành tính, tuy nhiên vẫn có một số rất ít có nguy cơ ác tính.

Hạch vùng đầu mặt cổ ở trẻ em có thể chia thành 4 nhóm nguyên nhân chính như:

- Hạch viêm.

- Hạch phản ứng viêm.

- Hạch lao.

- Hạch ác tính.

Hạch viêm là hạch to ra do viêm, phản ứng nhiễm trùng. Hạch này thường đi kèm với dấu hiệu sưng nóng đỏ đau, có thể gây áp xe hoá. Hạch sẽ được điều trị bằng kháng sinh và hoặc rạch thoát mủ nếu áp xe hoá.

Hạch phản ứng viêm là hạch thường gặp nhất. Theo đó hạch bạch huyết là một cơ quan nhỏ của hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ bẫy vi rút, vi khuẩn và thường sưng lên để phản ứng với nhiễm trùng như: Cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng vùng tai mũi họng, viêm da vùng đầu mặt cổ….

Loại hạch này sẽ giảm dần kích thước nếu điều trị triệt để nguyên nhân, tuy nhiên kích thước hạch sẽ trở lại bình thường một cách chậm chạp từ 2 - 4 tuần sau và chúng có thể không biến mất hoàn toàn.

Hạch do lao có đặc điểm là không đau, thường dính nhiều hạch thành từng chùm và thời gian xuất hiện khá lâu. Để xác định chính xác nguyên nhân gây hạch có phải do lao hay không, phương pháp chẩn đoán tốt nhất là sinh thiết hạch.

Ảnh: BVCC

Ảnh: BVCC

Hạch ác tính được chuyên gia phẫu thuật ung bướu nhi - TS.BS Hồ Trần Bản, Phó khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin, cần nghi ngờ là hạch ác tính khi: Hạch lớn >2cm, ấn đau, hạch cứng chắc, kém hoặc không di động kèm theo trẻ có biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, thiếu máu…

Khi trẻ có biểu hiện này cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa ung bướu nhi.

Phần lớn các hạch vùng đầu mặt cổ là lành tính, chỉ một số rất ít có nguy cơ ác tính. Dù vậy, bất cứ khi nào hạch xuất hiện, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên ngành Nhi để có thể điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
back to top