Hà thủ ô không khô 9 lần rất độc

Hà thủ ô là vị thuốc tốt nhưng rất độc nếu không được bào chế cầu kỳ “cửu chung, cửu sái” (nấu-tẩm-phơi 9 lần). Theo các chuyên gia, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam hiện nay uống hà thủ ô chế sẵn hoặc mua củ bào chế không đúng cách nên khi sử dụng gặp phải những tác dụng phụ gây nhiễm độc cho cơ thể hoặc uống mãi mà không đen tóc.

Vị thuốc chứa nhiều độc

Tại phố Lãn Ông, chợ thuốc đông y lớn nhất Hà Nội, phóng viên KHĐS dễ dàng tìm thấy hà thủ ô tươi nguyên củ, thái lát đã qua tẩm sấy hoặc dạng bột, dạng viên bào chế uống liền. Tại một cửa hàng đông y gia truyền, phóng viên gặp chị Nguyễn Thu Thủy (Từ Liêm, Hà Nội).

Dễ dàng mua được hà thủ ô tại chợ thuốc bắc trên phố Lãn Ông, Hà Nội.

Chị Thủy cho biết, mới gần tứ tuần mà tóc chị đã bạc “hoa râm”, rụng hói cả đỉnh đầu. Nghe nói uống hà thủ ô đen mượt tóc, chống rụng tóc, tốt cho phụ nữ, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa tiểu đường… chị Thủy đã đến Lãn Ông mua về uống. Vốn cẩn thận, chị đã trực tiếp mua củ hà thủ ô tươi nhờ chế biến thành dạng bột uống. Tuy nhiên, sau gần 1 năm ròng rã uống kiên trì trình trạng tóc bạc không cải thiện là bao. Chị Thủy có ngủ tốt, thậm chí ngủ li bì nhưng cơ thể có hiện tượng phù nhẹ, hay đi ngoài phân lỏng. Vì vậy, chị lại đến Lãn Ông để gia giảm thêm các vị thuốc.

TS – BS Nguyễn Thị Vân Anh, Viện nghiên cứu Ứng dụng thuốc dân tộc cho biết, có thể chị Thủy đã uống phải hà thủ ô chưa khử hết độc. Hà thủ ô tốt nhưng cũng có chất độc, nếu không biết cách chế biến, dễ bị ngộ độc và tử vong. Hiện ngoài thị trường có bán hà thủ ô sống và hà thủ ô đã qua chế biến nhưng rất khó phân biệt thật giả. Nhiều người không biết đã mua phải củ nâu giả hà thủ ô.

Tuy nhiên, cho dù mua được hà thủ ô thật thì cũng phải chế biến rất kỳ công đúng cách mới có thể giảm bớt các chất độc. Anthraglucosid trong hà thủ ô có thể gây tiêu chảy mạnh, rối loạn điện giải. Một số người uống hà thủ ô tươi phơi khô, không qua chế biến đủ 9 lần sẽ bị viêm thận, ngộ độc.

Chế biến đủ 9 lần

Ths Bs Nguyễn Thúy Hiền, giảng viên nghiên cứu Dược lý (Học viện Quân Y) khẳng định, hà thủ ô chỉ có tác dụng tốt khi lựa chọn đúng nguyên liệu, chế biến đúng cách. Hà thủ ô tốt nhất là loại hà thủ ô đỏ, tươi, củ to vừa bằng cổ tay, trồng đủ 2-3 năm tuổi. Đồng bào các dân tộc Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai… thường thu hoạch vào mùa thu khi cây tàn lá vì vậy nên mua vào mùa này. Đỗ đen để chế biến cùng hà thủ ô phải là loại giống cũ, hạt nhỏ như mắt bồ câu, lòng xanh.

Hiện nay, nếu hà thủ ô chế biến sẵn ở các tiệm thuốc bắc, rất dễ bị mua phải hàng không đủ chất lượng, củ không đủ năm, đỗ xanh không đúng loại, đặc biệt là không làm đúng quy trình nấu tẩm phơi 9 lần. Chưa kể, nếu thiếu những thiết bị dây chuyền sản xuất ninh, sấy đạt chuẩn thì không khử hết độc trong hà thủ ô và uống không đạt hiệu quả điều trị, thậm chí ngộ độc, nguy hiểm tính mạng.

Chế biến hà thủ ô đậu đen.

Để chế biến đúng cách, theo Ths.Bs Nguyễn Thúy Hiền, hà thủ ô rửa sạch ngâm nước gạo 1 ngày đêm sau đó lại rửa sạch. Đậu đen giã nát ngâm tiếp với hà thủ ô 1 đêm rồi đem ninh (1kg hà thủ ô, 100g đậu đen, 2 l nước) cho đến khi cạn. Trong lúc ninh đảo cho hà thủ ô chín đều. Bỏ đậu đen, lấy hà thủ ô bỏ lõi rồi phơi khô. Làm đi làm lại 9 lần như vậy mới khử được độc và tăng hoạt tính cho hà thủ ô.

Sau khi đủ 9 lần, nghiền nhỏ hà thủ ô thành bột. Khi uống trộn thêm bột đậu đen rang cháy theo tỷ lệ 10:1, mỗi ngày 4-8g hãm nước thật sôi uống sau ăn sáng. Nên mua bột hà thủ ô của các bệnh viện, trung tâm Đông y lớn có quy trình chế biến đạt chuẩn, có thiết bị đo kiểm soát độc tố.

Theo sách “Hiện đại thực dụng trung dược học”, củ Hà thủ ô chứa 1,7% antraglucosid, 68% tanin, và một số anthraquinon tự do là những hoạt chất độc, không tốt cho cơ thể. Liều độc uống 50g hà thủ ô sống lúc đói bụng (2,7g/kg cơ thể) và hà thủ ô chế là 169,4g/kg có thể gây chết 50% động vật thí nghiệm…

Đức Vinh

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top