Hà Nội: Xe trộn bê tông chạy trong giờ cấm

(khoahocdoisong.vn) - Bất chấp pháp luật, sự an toàn của người tham gia giao thông, xe bồn bê tông, chuyên dùng trong thi công vẫn ngang nhiên chạy trên các tuyến phố vào giờ cấm.

Cấm vẫn cứ chạy!?

Thời gian gần đây, người tham gia giao thông trên tuyến đường Nguyễn Xiển (Thanh Trì) và Nghiêm Xuân Yêm (Hoàng Mai) rất bức xúc và lo lắng bởi tình trạng xe bồn trộn bê tông chạy vào giờ cấm bất chấp các qui định của pháp luật.

Theo ghi nhận của PV báo KH&ĐS, trong nhiều ngày tại hai tuyến phố này các xe bồn bê tông ghi tên Việt Xô, Việt Tiệp, Sông Đà 7 liên tục đi lại trong giờ cấm, kể cả giờ cao điểm gây nguy hiểm, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường bởi khói bụi.

Hai tuyến phố này có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn, lại có sự “góp mặt” của các xe bồn “tranh thủ” giờ cấm càng làm cho hoạt động giao thông thêm ngột ngạt.

Xe bồn vô tư chạy trong giờ cấm trên phố Nguyễn Xiển.

Xe bồn vô tư chạy trong giờ cấm trên phố Nguyễn Xiển.

Theo tìm hiểu, trạm trộn bê tông Việt Tiệp có trụ sở tại ngõ 300 Nguyễn Xiển thuộc xã Tân Triều (Thanh Trì) là một trạm trộn bê tông quy mô lớn với hàng hàng trăm xe bồn. Trạm trộn hoạt động suốt đêm ngày gây khói bụi ô nhiễm.

Ông Đỗ Đình Long, Cán bộ phụ trách môi trường xã Tân Triều, cho hay: “Trạm trộn bê tông Việt Tiệp được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt từ năm 2015. Hàng năm, phòng tài nguyên môi trường huyện đều kiểm tra, các thông số đều đảm bảo tiêu chí”.

Cũng theo ông Long, khói bụi và nhếch nhác tại ngõ 300 Nguyễn Xiển là do các công trình xây dựng lân cận gây ra. Còn việc xe bồn của trạm trộn này chạy vào giờ cấm thì trách nhiệm thuộc về bên Giao thông công chính.

Xe bồn của trạm trộn Việt Xô tại xã Thanh Liệt đang chạy ra đường Nghiêm Xuân Yêm.

Xe bồn của trạm trộn Việt Xô tại xã Thanh Liệt đang chạy ra đường Nghiêm Xuân Yêm.

Đường xuống cấp vì xe bồn

Trạm trộn bê tông Việt Xô và Sông Đà 7 có trụ sở hoạt động tại xã Thanh Liệt (Thanh Trì) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tuy số lượng xe ít hơn, nhưng tần suất hoạt động khá mạnh. Bởi vậy, đoạn đường vào xã Thanh Liệt bị xe của hai trạm trộn này cày xới xuống cấp nghiêm trọng.

Mặt đường Thanh Liệt tiếp giáp đường Nghiêm Xuân Yêm bị xuống cấp do xe bồn.

Mặt đường Thanh Liệt tiếp giáp đường Nghiêm Xuân Yêm bị xuống cấp do xe bồn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt khẳng định hai trạm trộn này hoạt động đúng phép. Còn việc ô nhiễm môi trường thì khó tránh khỏi bởi trời nắng thì bụi, trời mưa thì nhếch nhác.

Ông Hưởng cũng công nhận có tình trạng xe bồn của hai trạm trộn trên địa bàn chạy vào giờ cấm. Tuy nhiên, ông phủ nhận trách nhiệm của chính quyền địa phương và cho rằng, việc đó phải do bên Giao thông công chính xử lý.

Xe bồn của Trạm trộn Việt Tiệp.

Xe bồn của Trạm trộn Việt Tiệp.

Trên địa bàn Hà Nội, không chỉ có hai tuyến phố nói trên mới xuất hiện xe bồn, nhiều tuyến như Tôn Thất Thuyết, Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng, Mễ Trì… cũng phải gánh chịu vấn nạn tương tự.

Trước đó, đã có không ít những tai nạn thương tâm liên quan đến hoạt động của xe bồn trộn bê tông trên địa bàn Hà Nội như: Vụ nữ sinh trên xe máy điện tử nạn dưới bánh xe trộn bê tông khi đang lưu thông đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (năm 2017), hay vụ tai nạn giao thông nghiệm trọng xảy ra giữa xe bồn và xe máy tại Thường Tín (Hà Nội) hồi tháng 4/2018 khiến 2 người tử vong tại chỗ.

Xe bồn chạy giờ cấm phục vụ dự án của công ty Tân Phú Long trên đường Láng.

Xe bồn chạy giờ cấm phục vụ dự án của công ty Tân Phú Long trên đường Láng.

Trong khi đó, từ năm 2013, UBND TP. Hà Nội có Quyết định Số 06/2013/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về việc hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố.

Trạm trộn Sông Đà 7 và Việt Xô liên kết với Công ty cổ phần Bitexco.

Trạm trộn Sông Đà 7 và Việt Xô liên kết với Công ty cổ phần Bitexco.

Tại Quyết định này thể hiện việc hạn chế cấp phép cho các xe tải lưu thông vào khu vực nội thành. Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn, cấm hoạt động trong giờ cao điểm.

Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công chỉ được phép lưu hành từ 21h đến 6h sáng hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền.

“Hai trạm trộn bê tông là Sông Đà 7.04 và Việt Xô liên kết với Công ty cổ phần Bitexco để cung cấp vật liệu xây dựng cho đơn vị này. Các đơn vị này có giấy phép và khi công trình xong thì phải ngừng hoạt động. Chúng tôi sẽ kiểm tra, nhắc nhở, tiếp thu ý kiến trình cấp trên”, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt.

Theo Đời sống
back to top