Hà Nội: Nguy cơ bùng phát Covid-19 rất cao và khó lường

(khoahocdoisong.vn) - Với các ổ dịch mới và nhiều ca bệnh liên quan tới TPHCM cùng các tỉnh, thành khác, Hà Nội có nguy cơ cao bùng phát dịch. Dù Hà Nội đang quyết liệt với nhiều biện pháp không để dịch bệnh lây lan nhưng chúng ta không thể chủ quan với các ca ngoài cộng đồng chưa được phát hiện.

Một ca ngoài cộng đồng nguy hiểm hơn hàng trăm ca trong khu cách ly

Từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội ngoài 2 chùm ca bệnh tại Đông Anh, Mỹ Đức, đã xuất hiện các ca bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan đến các tỉnh thành khác, trong đó có 23 ca bệnh liên quan đến TPHCM... Nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội đang rất cao và khó lường. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, trong thời gian tới sẽ xuất hiện thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng và trong các khu cách ly…

Hà Nội thành lập 22 chốt kiểm soát dịch ra vào thành phố,

Hà Nội thành lập 22 chốt kiểm soát dịch ra vào thành phố,

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về nguy cơ liệu Hà Nội có bùng phát dịch giống như TPHCM, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện tại Hà Nội tuy nguy cơ cao nhưng vẫn đang trong kiểm soát. Hà Nội đang quyết liệt phòng chống dịch và xác định được nguồn lây, quản lý được các ổ lây nhiễm ở Đông Anh và Mỹ Đức nên nguy cơ bùng phát dịch như TPHCM chưa thể xảy ra.  

Nói vậy nhưng chúng ta không thể chủ quan, lơ là vì Hà Nội là điểm trũng giống như TPHCM, là nơi giao lưu, đi lại nhiều, đặc biệt trong những ngày qua, nhiều người đi từ TPHCM ra Hà Nội và từ các tỉnh, thành có dịch về Hà Nội đã bị dương tính với SARS-CoV-2. Với chủng Delta lây nhiễm nhanh nên những người từ vùng dịch về lại đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người rất dễ khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Ngoài ra, cũng không thể nói rằng, Hà Nội đã hết những ca lẩn khuất ở trong cộng đồng mà chưa được phát hiện ra. Vì vậy, cần phải rất cảnh giác và phát hiện sớm, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. 

Kiểm soát dịch tại Hà Nội.

Kiểm soát dịch tại Hà Nội.

Vì vậy, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ngoài các biện pháp quyết liệt chống dịch, Hà Nội cũng phải đánh giá nguy cơ. Muốn vậy, không chỉ xét nghiệm những người có nguy cơ cao (người trong vùng dịch, người liên quan đến F0, người từ vùng dịch về...) mà cần phải xét nghiệm cộng đồng ở nơi có nguy cơ cao như: các khu chợ, khu công nghiệp... Bởi thực tế một ca ngoài cộng đồng còn nguy hiểm hơn hàng trăm ca trong khu cách ly.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cảnh báo, bài học của làn sóng dịch thứ 4 này chính là cơ chế lây lan của virus trong môi trường kín, điều hòa... nhưng cũng lây lan qua giọt bắn, qua không khí... nên trong giai đoạn nguy cơ cao này chúng ta cần tuân thủ quy định không tụ tập ngoài trời, dừng ăn uống ngoài hàng... tránh “phá rào” khiến dịch bệnh lây lan và bùng phát.

Khả năng lây nhiễm tính bằng giây

BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cảnh báo, chúng ta đang đối mặt với các biến thể mới: Alpha, Beta, Gama, Delta, Lambda… có nhiều điểm khác với chủng virus ban đầu. Đặc biệt, biến thể Delta có khả năng xâm nhập tế bào rất nhanh, làm cho tải lượng virus tăng đột biến. Chỉ trong thời gian ngắn virus đã có đầy ở cổ họng người nhiễm, nó nhanh chóng phát thải ra môi trường qua các sol khí để lây cho những người xung quanh, hầu hết người không có triệu chứng cũng lây. Thời gian tiếp xúc có thể tính bằng giây.

Vì thế mà TPHCM  hệ số lây nhiễm R0 = 7. Nghĩa là một người nhiễm virus, sẽ lây cho 7 người khác, chưa kể thời gian lây nhiễm được một số tác giả nước ngoài đưa ra khoảng 18 ngày, dài hơn nhiều so với chủng virus ban đầu. Có tới 68% ca bệnh không có triệu chứng. Vì không có triệu chứng, nên số trường hợp F0 lang thang ngoài cộng đồng sẽ rất nhiều, đó thực sự là những quả bom virus siêu lây lan. Tải lượng virus rất cao + Thời gian tiếp xúc rất ngắn + Thời gian lây nhiễm dài + Hệ số lây nhiễm cơ bản quá cao + Đa số bệnh nhân không triệu chứng = SIÊU LÂY NHIỄM.

Trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi mua sắm và không nên cho trẻ nhỏ đi siêu thị hay trung tâm thương mại. Tại những địa điểm này nếu tập trung đông người thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn. 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội đã lập 22 chốt ở cửa ngõ thành phố để kiểm soát dịch bệnh và chuẩn bị 5,1 triệu liều văcxin để tiêm trên diện rộng...

Quang cảnh cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch tại Hà Nội.

Quang cảnh cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu người dân hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng dịch và TPHCM. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp… có trụ sở tại TPHCM và các vùng dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; Các địa phương phải sát sao hơn nữa, cùng các lực lượng chức năng, tổ Covid cộng đồng nắm chắc di biến động dân cư, đặc biệt là người từ các vùng dịch về Hà Nội bởi có người từ vùng dịch về Hà Nội nhưng không về nhà mà thuê khách sạn, resort ở...

“Ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Việc tuân thủ các khuyến cáo 5K trong phòng, chống dịch của người dân sẽ vừa bảo vệ bản thân, gia đình, vừa bảo vệ cộng đồng. Đây chính là biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn con đường lây lan của virus, hạn chế được rất lớn sự phát tán mầm bệnh nơi công cộng” – PGS.TS Trần Đắc Phu.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top