Hà Nội đề xuất sửa Luật Thủ đô theo hướng xây dựng những cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với vai trò, tiềm năng của Thủ đô.
Chiều tối 30/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, qua tổng kết 8 năm thi hành Luật Thủ đô cho thấy: Luật Thủ đô, các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển KT-XH; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cấp.
Chính vì vậy, thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi cơ bản Luật Thủ đô theo những định hướng lớn như: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của thủ đô.
Cùng đó, tăng cường phân quyền, phân cấp cho thủ đô trên các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính – ngân sách, đầu tư, xây dựng, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự... nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố.
Bên cạnh đó, xây dựng những cơ chế chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt, tiềm năng, thế mạnh của thủ đô, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Xanh - Thông minh - Hiện đại”.
Trước đó, vào năm 2011 dự án Luật Thủ đô đã không được Quốc hội thông qua (chỉ 35,9% đại biểu tán thành), bởi được cho là "giống một nghị quyết", nội dung còn chung chung, chỉ cụ thể về ưu đãi tài chính và thắt chặt quản lý dân cư.
Đến năm 2012, Quốc hội mới chính thức thông qua dự án Luật Thủ đô (75,70% đại biểu tán thành), và có hiệu lực chính thức từ ngày 1/7/2013.
Hà Nội đã đề xuất nhiều cơ chế đặc thù.
Những năm gần đây, Hà Nội cũng đã đề xuất nhiều cơ chế đặc thù. Trong đó vào tháng 6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội sẽ được hưởng một loạt các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn TP Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm bao gồm: Phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Đồng thời, được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.
Ngân sách thành phố cũng được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí nêu trên để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố. Và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh)... để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.
Đặc biệt, ngân sách thành phố được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu, để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công trên địa bàn.
Nghị quyết này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.