Cách đây 4 năm, chúng tôi có dịp ghé qua làng gốm cổ Yang Tao, huyện Lăk. Lúc này, làng gốm chỉ như một kẻ bạo bệnh, thoi thóp, gồng mình sống giữa guồng quay thời đại. Mặc dù cách đây chừng 3 thập kỷ, người làm gốm Yang Tao còn ngửa mặt lên trời cười rạng rỡ, tự hào ánh hào quang văn hóa của quê hương mang tên gốm Yang Tao – loại gốm đặc biệt không nơi nào trên dải đất hình chữ “S” có được. Nhưng nay, gánh nặng cạnh tranh, xu thế thời đại đang trở thành đối thủ ghì chặt mỗi con người chốn cao nguyên sát đất. Cảm giác mệt mỏi, chán chường và muôn trùng rệu rã...
Gốm chỉ có màu đen bóng
Lời cũ truyền rằng, làng gốm Yang Tao đã có từ cách đây nhiều thế kỷ và lịch sử ấy được lưu lại theo đường truyền miệng là chủ yếu. Tất nhiên là nó có đôi chút “thất bản” nhưng nghệ thuật gốm Yang Tao vẫn là dòng chảy cốt lõi, là xương tủy của nghề.
Nghệ nhân H’Lưm, một người còn vật vã với nghề truyền thống thuật rằng: Bà không biết nghề gốm có mặt ở mảnh đất cao nguyên từ bao giờ. Chỉ nhớ rằng, mỗi con người Yang Tao từ lúc sinh ra đã lăn lê bò toài trên gốm, bốc đất, nặn đất, nghịch ngợm cũng trên những miếng đất thịt quê hương. Rồi cái nghề làm gốm cũng tự nhiên ngấm vào máu của bà và mỗi con người nơi đây như cây Pơ Lang hễ rơi cành là bén rễ.
Rồi đến độ lên 10, H’Lưm đã được mẹ cầm tay chỉ việc. Từ đó cho đến nay, gần trọn một đời người bà gắn bó với nghề gốm như duyên nợ.
Theo H’Lưm, nguyên liệu làm gốm Yang Tao phải là loại đất đặc biệt ở vùng núi Đăk Sét. Vùng núi này ở cách xa khu dân cư, nên người dân phải đi cả ngày đường mới đem được một gùi đất về nhào trộn.
Hồi hoàng kim của làng gốm Yang Tao cách đây vài chục năm, người dân xếp thành hàng dài, nối đuôi nhau vào rừng gùi đất. Mỗi bước chân đi đem theo niềm vui, kiêu hãnh và sự tự hào...
Lấy đất về, người dân cho lên một cái cối dựng ngược dùng chày giã cho thật nhuyễn rồi mới tiến hành tạo hình sản phẩm.
Khác với cách làm gốm thông thường là đặt lên bàn xoay để tạo hình, gốm Yang Tao không có khuôn mẫu. Để tạo hình người làm gốm phải tự đi xoay tròn vuốt nặn sản phẩm. Sau khi tạo hình xong, đất được phơi khô 2 – 3 ngày rồi tráng một lớp men.
Men gốm Yang Tao được tạo ra từ tro của vỏ trấu nên có màu đen bóng rất đặc biệt.
Công đoạn cuối cùng là nung gốm. Gốm cũng không được nung trong các lò mà được đốt lộ thiên tạo nên những đường vân rất đặc trưng.
Ông Trần Quang Năm, Trưởng Phòng Sưu tầm và Nghiên cứu, Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk nhận định: Ở Tây Nguyên, chỉ có nhóm dân tộc thiểu số M’Nông – R’lăm xã Yang Tao, huyện Lăk là có nghề sản xuất đồ gốm truyền thống. Gốm Yang Tao cũng khác hẳn với các loại gốm khác vì có màu đen đặc trưng, cách làm cũng hoàn toàn thủ công. Các sản phẩm gốm được tạo ra tuy rất đơn giản nhưng lại rất thanh thoát, gần gũi với thiên nhiên, con người vùng miền núi.
Muốn tồn tại, cần thủ lĩnh có “đầu óc”
Từ trong mịt mùng gian khó, nhiều người vẫn nhìn ra những khe hẹp để níu gốm Yang Tao tồn tại.
Già H’Phiết gần 80 tuổi, xã Yang Tao thuật lại: Trước đây, những sản phẩm gốm của Yang Tao từng được trao đổi khắp các vùng Tây Nguyên, là niềm tự hào của mọi người trong buôn.
Thời đánh thực dân Pháp, diệt đế quốc Mỹ, bà con bị địch dồn vào trung tâm quận lỵ Lạc Thiện (nay là thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk), bà con vẫn không quên nghề gốm. Không mua bán được với bên ngoài thì họ làm gốm để phục vụ cho đời sống của chính mình và chuyển ra các vùng căn cứ cách mạng như Rô Men (Lâm Đồng), Đăk Tua (huyện Krông Bông)...
Hết chiến tranh, gốm theo chân người trở lại buôn xưa. Trong ký ức của mình, già H’Phiết còn nghe tiếng giã đất thình thịch, thấy những buổi sáng nhà nhà nặn gốm. Những đôi tay thoăn thoắt nặn những khối đất dẻo, rồi dùng đá đánh bóng tỷ mẩn những sản phẩm mình làm ra.
Bom đạn, chiến tranh, đói nghèo đã không dập tắt được nghề gốm Yang Tao, nhưng buồn thay trong cuộc sống hiện đại ngày nay, do sự phát triển như vũ bão của kinh tế thị trường, nghề gốm cổ bị cuốn trôi một cách nhanh chóng, thậm chí có nguy cơ thất truyền. Hiện nay, những người biết làm gốm cổ ở Yang Tao chỉ còn vẻn vẹn 3 người là H’ Phiết, H’Lưm và H’ Huyền.
H’Phiết tâm sự: “Già buồn lắm vì ngày nay muốn truyền nghề mà chẳng có ai học. Bọn trẻ kêu làm gốm phải xoay đi xoay lại nhiều lần rất chóng mặt, lại mất nhiều thời gian nên chúng không theo được. Cứ đà này nghề của ông bà sẽ bị biến mất thôi”.
Mặc dù khó khăn chồng chất, nhưng từ gian khó, nhiều người cho rằng, khôi phục gốm Yang Tao là việc không quá khó khăn. Nhận định này xuất phát từ xu thế chơi gốm cổ của những người yêu gốm khắp cả nước. Do tính độc đáo, khác biệt mà gốm Yang Tao có một giá trị riêng, khác biệt. Dẫu số người chơi gốm chưa nhiều, nhưng thông qua dòng chảy này có thể làm nổi bật lên giá trị của loại gốm sắp thất truyền.
Cánh cửa thứ hai là người dân Yang Tao cần một thủ lĩnh có “đầu óc” để tìm kiếm thị trường, cạnh tranh đàng hoàng với những loại gốm khác trên cả nước. Xã hội càng phát triển, thị trường càng lớn. Trong khi đó, gốm Yang Tao nếu làm thủ công vẫn có đầy đủ các yếu tố như lịch sử, văn hóa, con người... để làm nền tảng cho sự phát triển.
Mong rằng, gốm Yang Tao không hòa tan vào quá vãng!
Ông Trần Quang Năm, Trưởng Phòng Sưu tầm và Nghiên cứu, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để khôi phục lại làng gốm là việc hết sức khó khăn. Nguyên liệu không còn dồi dào như trước. Thêm vào đó lớp trẻ ngày nay không mấy ai mặn mà theo nghề nữa. Trước đây, Bảo tàng tỉnh có mở một lớp học làm gốm cho 20 người. Thế mà giờ chẳng có ai theo nghề.