Thời kỳ vũ khí lạnh kéo dài hàng ngàn năm, các thợ thủ công cổ đại với trí tuệ siêu việt đã tạo ra vô số loại vũ khí huyền thoại, trở thành bảo bối quan trọng để giành chiến thắng trên chiến trường. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn, được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất kiếm".
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người ngạc nhiên là thanh kiếm cổ này đã được chôn dưới đất hơn 2.500 năm mà vẫn không hề bị rỉ sét, vẫn sắc bén và sáng loáng. Các chuyên gia Trung Quốc đã chỉ ra bí quyết đằng sau bí ẩn này.
Thần kiếm ngàn năm không rỉ sét của Việt vương Câu Tiễn. |
Nhà sử học Trung Quốc Kỷ Liên Hải cho biết, vào tháng 12/1965, khi các nhân viên từ cơ quan bảo tồn văn vật của tỉnh Hồ Bắc khai quật ngôi mộ Sở số 1, họ đã tìm thấy một thanh kiếm đồng quý giá trong quan tài của chủ nhân ngôi mộ.
Ban đầu, khi nhìn qua vỏ kiếm làm từ gỗ sơn đen, thanh kiếm trông không có gì đặc biệt. Nhưng khi các nhân viên rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, ánh sáng lạnh lẽo tỏa ra ngay lập tức, bức người xem giật mình kinh hãi.
Trên thân kiếm có những họa tiết hình thoi đen đan xen nhau đầy bí ẩn và tinh xảo, mặt trước được đính ngọc lưu ly màu xanh, mặt sau là ngọc lam, trông giống như một binh khí thần thánh trong truyền thuyết. Đáng chú ý là trên kiếm khắc hai dòng chữ điểu triện "Việt Vương Câu Tiễn, tự dụng kiếm", nhờ vậy các chuyên gia xác định được danh tính chủ nhân ngôi mộ.
Một chuyên gia có mặt tại hiện trường kể lại rằng, khi một chuyên gia rút thanh kiếm này ra đã sơ ý lướt qua một tập giấy. Nào ngờ, chỉ chạm nhẹ, thanh kiếm đã cắt đứt luôn cả tập giấy này, cho thấy sự sắc bén vô song của nó. Tất cả mọi người đều vô cùng ngạc nhiên, không khỏi thắc mắc tại sao thanh kiếm cổ này lại có thể sắc bén như lúc đầu sau hơn 2.500 năm chôn vùi sâu dưới lòng đất?
Sau khi nghiên cứu sâu, các chuyên gia phát hiện ra rằng thanh kiếm này được chế tác theo kỹ thuật kim loại phức hợp. Sống kiếm chứa nhiều đồng, mềm dẻo và dẻo dai; lưỡi kiếm chứa nhiều thiếc, sắc bén và cứng; họa tiết chứa nhiều lưu huỳnh, giúp chống ăn mòn. Đây chính là bí quyết đúc nên thanh "thần kiếm", phản ánh kỹ thuật đúc kiếm cao siêu của con người thời bấy giờ.