Trong ký ức của những người đồng nghiệp, người bạn, GS Văn Tần là một bác sĩ, người thầy đặc biệt, tận tâm, tận hiến cho khoa học, hết lòng vì bệnh nhân, tấm gương “lương y như từ mẫu” truyền cảm hứng cho các thế hệ.
GS Văn Tần, người đã cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp Y khoa và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Ngành Y tế Thành phố và cả nước. Ảnh: Bệnh viện Bình Dân. |
Tấm gương người bác sĩ, người thầy đáng ngưỡng mộ
Chia sẻ với PV Khoa học & Đời sống, GS.BS.AHLĐ Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, ông và GS Văn Tần có rất nhiều kỷ niệm. Hai người làm việc cùng nhau một thời gian dài. Sau đó, GS Văn Tần vẫn ở lại Bệnh viện Bình Dân, còn GS Hùng rời đi thành lập Trung tâm Ung Bướu. Tuy nhiên, hai người vẫn giữ mối liên lạc thân thiết.
Đối với GS Nguyễn Chấn Hùng, GS Văn Tần là người bác sĩ, người thầy tận tâm trong công việc. Sự cống hiến, tinh thần làm việc miệt mài ở GS Tần bất chấp thời gian, tuổi tác.
Ở tuổi 92 (hơn GS Chấn Hùng cả chục tuổi), lẽ ra đã được nghỉ ngơi, nhưng GS Văn Tần vẫn kiên trì với con đường khoa học, tiếp tục làm việc, dạy các thế hệ sau.
“Cùng nghề với nhau nhưng nhìn sự lao động, cống hiến của GS Văn Tần, tôi vừa cảm phục, vừa thấy thú vị. Đi những hội thảo, hội nghị vẫn đều gặp GS Văn Tần, trong khi, lẽ ra ở tuổi của GS Tần đã được nghỉ ngơi rồi. Chẳng hạn, ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có hội thảo về Ung thư lớn đều có sự hiện diện của GS Văn Tần”, GS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ.
GS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ một kỷ niệm vui, trong một hội nghị, gần tới giờ tổ chức, ông ngó qua ngó lại tìm kiếm “người anh” của mình (GS Văn Tần) xem có đến hay không.
“Tôi hỏi mọi người: ‘Sao không thấy anh cả Văn Tần đâu?’, thì đã thấy ông đi lên, chào mọi người, khiến ai cũng cảm động”, GS Nguyễn Chấn Hùng kể.
GS Văn Tần làm chủ tọa tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 (CISE2023) tháng 4 năm 2023. Ảnh: Bệnh viện Bình Dân. |
Theo chia sẻ của GS Nguyễn Chấn Hùng, dù chơi với nhau thân thiết nhưng tính cách hai người có phần khác biệt. GS Văn Tần không hút thuốc, không uống rượu, không bạn bè bù khú “giang hồ” mà chỉ có học tập, lao động, cống hiến.
Có lần một học trò của GS Văn Tần nói với ông: “Trời ơi, thầy Tần đi hội nghị là chỉ dự hội nghị, không đi đâu hết nên tụi con cũng hổng dám nhúc nhích”. Trong khi thầy Hùng thì nói tụi con cái nào cần nghe thì nghe, còn thì tranh thủ đi học hỏi, tham quan.
“Đó là hai tính cách khác nhau của hai anh em. Tôi rất kính quý cách làm việc của GS Văn Tần: Cần mẫn, siêng năng, lao động, một con người rất đặc biệt, tấm gương bác sĩ, người thầy đáng ngưỡng mộ”, GS Nguyễn Chấn Hùng nói.
“Người anh lớn” đã không còn nữa
GS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ, trong cuộc sống, GS Văn Tần là người sống rất giản dị. GS Văn Tần ăn mặc rất đơn giản. Áo có khi bỏ trong quần nhưng thường là bỏ ngoài. Đi dự hội nghị, hội thảo, ông thường đi dép. Tuy nhiên, khi trình bày khoa học thì lại luôn chỉn chu, nghiêm cẩn.
GS Văn Tần có khu vườn rất rộng, trồng rất nhiều loại cây trái. Rời bệnh viện về nhà là GS Văn Tần lại cầm cuốc chăm vườn. Có lần, ông được hai vợ chồng GS Văn Tần mời lên vườn chơi. Đây là một điều rất đặc biệt, bởi GS Văn Tần ít khi có giao tế kiểu như vậy.
Một kỷ niệm nữa với GS Văn Tần mà GS Nguyễn Chấn Hùng cũng rất nhớ, đó là năm 2006, ông và GS Văn Tần cùng được Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Một phóng viên khi phỏng vấn, viết bài về hai người đã nhầm lẫn nơi sinh của GS Văn Tần sang ông. Sau này, nhiều người đã ngạc nhiên khi tưởng ông sinh ở Quảng Trị (quê GS Văn Tần).
Ông cảm thấy rất vui khi được nhầm với người con đặc biệt, uy tín của Quảng Trị. Và những kỷ niệm nho nhỏ ấy, cho thấy giữa hai người luôn có sự gắn bó, “dính líu” tới nhau.
Tin GS Văn Tần mất khiến ông rất buồn. “Vào tháng 11 tới đây cũng có một hội thảo ở Cần Thơ, theo kế hoạch sẽ có GS Văn Tần tham dự, không ngờ GS ra đi sớm thế. Tôi sẽ nói với các đồng nghiệp của mình: ‘Người anh lớn của chúng ta đã không còn tới dự với chúng ta nữa rồi’, để cùng tưởng nhớ ông”, GS Nguyễn Chấn Hùng xúc động.
Giáo sư Văn Tần cùng với các đồng nghiệp tham dự Hội nghị Khoa học Công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20 (CISE2023) tháng 4 năm 2023 - Ảnh: Bệnh viện Bình Dân |
Tấm gương lương y như từ mẫu
Sự ra đi của GS Văn Tần để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp, học trò. Trong ký ức của nhiều người, không bao giờ quên được hình ảnh người rất hiền lành nhưng cũng rất nghiêm khắc trong trang phục blouse đặc biệt của người phẫu thuật viên. Bài học đầu tiên mà GS Văn Tần dạy các học trò là bài học về đạo đức của người thầy thuốc, tất cả phải hướng về người bệnh.
Trên trang Facebook cá nhân, nhiều người bày tỏ sự thương tiếc, đau buồn. GS.TS.BS Nguyễn Công Minh, nguyên Trưởng bộ môn Ngoại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc BV Trưng Vương TP HCM đã gọi GS.BS Văn Tần là một người Anh, một người Thầy kính mến của gia đình Ngoại khoa.
Theo chia sẻ của GS Nguyễn Công Minh, hơn 30 năm của tuổi hưu, GS Văn Tần vẫn ở lại Bệnh viện Bình Dân làm cố vấn cao cấp chuyên môn. GS Văn Tần luôn hăng hái, tiếp tục công tác giảng dạy, hướng dẫn lâm sàng (bên cạnh bệnh nhân) cho nhiều thế hệ sinh viên y khoa và các bác sĩ - học viên sau đại học, từ BS nội trú, BS chuyên khoa 1, BS chuyên khoa 2 và các BS là nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TP.HCM… như những buổi của thuở sinh thời.
Mỗi ngày, GS Văn Tần rời khỏi nhà từ tờ mờ sáng đến Bệnh viện Bình Dân bằng xe của bệnh viện. Đối với bệnh nhân, GS Văn Tần luôn nhiệt tình trong điều trị ngoại khoa.
“Hình ảnh Thầy, một người suốt đời hăng say - gắn bó với ngành y, luôn là niềm cảm hứng cho các y bác sĩ tại đây”, GS Nguyễn Công Minh chia sẻ.
GS Nguyễn Công Minh cho hay, tại các cuộc họp giao ban chuyên môn của bệnh viện, GS Văn Tần luôn chủ động đề xuất nhiều ý kiến, những đề xuất mà Thầy từng trải nghiệm trong gần nửa thế kỷ là “nội trú”, là “thường trú” của chuyên ngành ngoại mà GS Văn Tần đã đi qua...
Với đồng nghiệp - đàn em, khi gặp tai biến khi mổ trên bàn mổ, cũng như biến chứng sau mổ, GS Văn Tần nhập vai “cố vấn” một cách dịu dàng, yên ả, không trách móc, không mắng mỏ hay giận dữ.
GS Văn Tần được phong là “Anh hùng lao động” và “Thầy thuốc nhân dân” … Những Tôn vinh ấy rất đúng - xứng đáng và rất có ý nghĩa cho nhiều thế hệ “đàn em” tiến bước theo truyền thống muôn thuở của ngành Y.
“Sức làm việc, cống hiến của GS Văn Tần thật khó ai có thể vượt qua, Thầy chính là tấm gương “Lương y như từ mẫu”, là tượng đài ngoại khoa cho các học trò, đàn em mãi mãi phấn đấu noi theo. Xin vĩnh biệt Anh, Thầy tôi GS BS Văn Tần”, GS Nguyễn Công Minh nói lời tiễn biệt.
GS.TS.BS Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. GS đã từ trần lúc 10h15 sáng 4/9 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi.
GS Văn Tần nguyên là Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân (từ năm 1981), một trong những chiếc nôi của ngành Ngoại khoa tại TP HCM và các Tỉnh thành phía Nam.
Ông được biết đến là người không đam mê quyền lực, cả đời chỉ muốn dành trọn tâm sức cho việc chữa bệnh, cứu người. Ông đã từ chối chức Giám đốc Bệnh viện Bình Dân khi lãnh đạo thành phố yêu cầu cũng vì lý do này.
Cả cuộc đời mình, ông đã tham gia hàng chục ngàn ca mổ khó, phức tạp. Ông được tôn vinh là bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam, phẫu thuật gan đứng tốp đầu trong cả nước. Ông cũng bác sĩ Việt Nam đầu tiên thực hiện phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm ngực, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng.
Ông từng là phẫu thuật viên chính của ca mổ huyền thoại, trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam khi tách cặp song sinh anh em dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức tại Bệnh viện Từ Dũ. Ca mổ không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học nước nhà.
GS Văn Tần còn có nhiều cải tiến trong nghiên cứu khoa học được báo cáo nhiều nơi trong nước và trên thế giới. Ông có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, 450 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, chủ biên 13 quyển sách chuyên ngành và hướng dẫn khoa học cho nhiều Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 và Thạc sĩ.