Giảm cơn bốc hỏa trong những ngày nắng nóng

(khoahocdoisong.vn) - Bốc hỏa ở phụ nữ là tình trạng thay đổi hormon dẫn đến biểu hiện tâm lý bất thường. Cơn bốc hỏa ở phụ nữ là cảm giác nóng ran xuất hiện rất nhanh trong vài giây tới vài phút ở toàn cơ thể, đặc biệt là ở mặt, cổ hay thân trên. Hiện tượng này thường thấy ở phụ nữ mãn kinh nhưng cũng có thể gặp phải cảm giác khó chịu này bất cứ lúc nào, đặc biệt khi thời tiết nóng.

Qua các nghiên cứu, người ta thấy chứng bốc hỏa thường gặp ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh. Quan niệm của y học cổ truyền, chứng hỏa là khí nóng trong người phát ra, bệnh phần nhiều do vốn chân âm hư, ăn uống không phù hợp, hoặc do tình chí tức giận thái quá. Thời tiết nóng nực cũng là nguyên nhân khiến hỏa bốc lên. Bốc hỏa thường không nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Để giảm cơn bốc hỏa trong những ngày nắng nóng, tốt nhất nên thay đổi chế độ ăn uống. Nên cắt giảm caffeine, bia, rượu, các thực phẩm cay, quá ngọt. Những thực phẩm và đồ uống này có thể kích hoạt các cơn bốc hỏa, khiến tình trạng bốc hỏa xảy ra mau và dày hơn. Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh nên áp dụng một số cách thư giãn tinh thần như thở sâu, tập yoga và thiền. Thói quen này sẽ giúp kiểm soát tâm trạng tốt hơn. Hằng ngày nên uống đủ nước vì nước sẽ làm dịu các cơn bốc hỏa đến bất chợt. Những người có thói quen tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện tình trạng bốc hỏa. Sau khi tập thể dục có thể uống một ly sữa đậu nành bởi đậu nành chứa phytoestrogen, một chất tương tự như estrogen trong cơ thể để cải thiện tình trạng bốc hỏa. Mùa hè nên chọn quần áo rộng, chất liệu thoáng mát để mặc cũng như giữ nhà cửa thoáng mát để giảm bớt nhiệt độ cơ thể.

Về thuốc điều trị bốc hỏa, tùy từng tình trạng bệnh mà có thuốc điều trị khác nhau. Nếu bốc hỏa lên đầu và vượt ra ngoài như nóng, người bệnh thường đau nóng đỉnh đầu, mặt đỏ, miệng khô khát, lấy cát căn 120g, nhân sâm 40g, thăng ma 12g, thanh hao 12g, hoàng kỳ 12g, cam thảo 6g sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc có công dụng thanh hỏa dưỡng âm, giáng hỏa, ích nguyên khí, trị các chứng hỏa hay đau đầu miệng khô khát, mặt đỏ, ra nhiều mồ hôi đầu, nóng tiểu vàng, đại tiện táo.

Nếu nóng vùng thắt lưng, 2 bàn chân, đi tiểu vàng lấy thục địa 32g, hoài sơn 18g, đơn bì 18g, sơn thù 12g, phục linh 12g, trạch tả 14g, sa tiền tử 10g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, các vị làm hoàn, ngày uống 8 - 12g, uống 2 - 3 lần với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt. Bài này có công dụng tư âm giáng hỏa thanh thấp nhiệt. 

Nếu người bệnh hay bốc nóng lên đầu mặt, miệng khô khát, đại tiện táo, lấy thục địa 40g, hoài sơn 18g, sơn thù 12g, đơn bì 16g, trạch tả 12g, phục linh 12g, ngưu tất 12g, mạch môn 12g, ngũ vị 10g, các vị làm hoàn, ngày uống 8 - 12g, chia 2 - 3 lần. Người xưa có câu “Lão nhi bất ly lục vị” với hàm ý khi điều trị cho người già và trẻ em cần quan tâm đến dưỡng âm, nếu âm huyết đầy đủ thì hỏa tự binh, người khỏe, ít bệnh tật.

Lương y Nguyễn Văn Phúc (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top