Giảm biến chứng từ bệnh vẩy nến sang khớp

(khoahocdoisong.vn) - Khi bệnh vẩy nến trở nên mãn tính, trường hợp nặng có nguy cơ gây biến chứng ảnh hưởng tới cả xương khớp.

Tổn thương do viêm khớp vẩy nến gây ra

Có tới 53% bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến có biến chứng viêm khớp. Biểu hiện của bệnh viêm khớp vẩy nến là người bệnh thấy sưng, đau, cứng khớp, không đối xứng một vài khớp, điển hình là ở khớp ngón tay. Một số ít có viêm nhiều khớp đối xứng hoặc chủ yếu là đau, hạn chế vận động ở cột sống và khớp cùng chậu tùy theo thể lâm sàng. Ngón tay, ngón chân bị sưng toàn bộ một hoặc vài ngón tay hoặc ngón chân (chân hay gặp hơn).

Tổn thương da điển hình bao gồm những chấm, vết hoặc mảng trên nền viêm đỏ, phủ nhiều lớp dễ bong, thậm chí có những mảng tróc vảy, màu trắng đục như nến. Thương tổn nhỏ đường kính vài mm hoặc lan rộng thành mảng. Vị trí có thể gặp ở trên mặt trước của chân, tay, da đầu, ngoài ra còn tìm thấy tổn thương da ở dưới vú, kẽ mông hoặc trong rốn. Khoảng 80% trường hợp viêm khớp vẩy nến bị loạn dưỡng móng. Những thay đổi trên móng hay gặp là mất màu móng, dày móng, rỗ như kim châm hoặc bong móng. Các biểu hiện ngoài khớp ít gặp khác như viêm kết mạc, viêm mống mắt, hở van động mạch chủ, loét miệng, loét niệu đạo...

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, cho đến nay, cả Đông y và Tây y đều chưa thể chữa dứt điểm bệnh vẩy nến. Những quảng cáo nói rằng đã có thuốc bí truyền để chữa căn bệnh này đều không đáng tin. Hiện nay y học mới chỉ đẩy lùi được bệnh và kéo dài thời gian tái phát bệnh, đặc biệt ngăn không cho bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn như viêm khớp vẩy nến mà thôi.

Cách phòng tránh để bệnh không diễn tiến nặng

Để tránh vẩy nến tiến triển nặng sang viêm khớp, có thể kết hợp giữa Đông và Tây y là hướng điều trị tốt cho căn bệnh này. Về Tây y, có thể dùng thuốc mỡ axit salicylic để làm mềm da, thuốc này cũng giúp bong các vẩy nến trên da. Cũng có thể dùng thuốc mỡ chứa thành phần calcipotriene vì nó liên kết với vitamin D và cho kết quả tốt như kem hydrocortisone để điều trị vẩy nến...Khi điều trị, người bệnh cần tránh căng thẳng, kỳ cọ và bóc da. Không để vùng da bị bệnh tiếp xúc với các chất có tính kiềm. Nên phối hợp thuốc uống trong và bôi ngoài da để tăng hiệu quả điều trị. Giữ tinh thần lạc quan, xác định tư tưởng sống chung với bệnh tật.

Về chế độ ăn, nên bổ sung nhiều cá và rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế đồ ăn nướng, rán, mỡ động vật, thức ăn có tính cay, nóng; nên uống nước gấp 2-3 lần bình thường; tránh uống rượu, bia…Theo các chuyên gia, khi điều trị viêm khớp vẩy nến, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ của thuốc gây đau khớp, cứng khớp, sưng khớp. Khi đau có thể sử dụng túi chườm nóng và chườm lạnh để giúp giảm đau. Có thể chườm vài lần một ngày, mỗi lần khoảng 20 đến 30 phút. Khi vận động các khớp cần tránh các động tác đột ngột, tránh bê vác nặng để bảo vệ khớp. Người mắc viêm khớp vẩy nến cần duy trì cân nặng phù hợp để tránh tải trọng quá mức cho khớp. Tập thể dục thường xuyên là giải pháp tốt giúp các khớp xương linh hoạt, dẻo dai hơn.

Vì vẩy nến hay tái phát nên người bệnh nên kết hợp điều trị Đông y để bệnh không biến chứng. Nhân dân ta hay dùng gel nha đam lên vùng da vảy nến 1 – 2 lần/ngày giúp làm dịu vùng da bị vảy nến, giảm viêm ngứa và hạn chế bong tróc. Nếu không có nha đam có thể dùng giấm táo pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1 và thoa trực tiếp lên da, axit trong giấm táo có thể giúp giảm ngứa. Để điều trị bên trong có thể lấy nghệ vàng làm gia vị trong các món ăn hoặc uống viên nang nghệ để cải thiện các triệu chứng bệnh.

Hồng Loan

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top