Lão hóa kéo theo thoái hóa khớp
Theo GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội thấp khớp học VN, khớp bị thoái hóa phần nhiều là khớp cổ tay, bàn tay, khớp cổ, gối, háng…Người bị bệnh thoái hoá khớp thường có cảm giác đau vùng bị thoái hóa, lúc đầu đau nhẹ, đau chủ yếu về đêm, đôi khi có cảm giác cứng khớp, nhất là sáng sớm lúc vừa ngủ dậy, sau một lúc đi lại, nghỉ ngơi thấy đỡ đau. Quanh khớp thoái hóa đôi khi đau chỉ 1 điểm, đau sẽ tăng hơn khi cử động, vận chuyển. Đối với khớp gối, háng có khi sưng lên, chứa nhiều dịch bên trong mà nhiều người gọi là tràn dịch khớp. Nếu chọc hút thì đau sẽ giảm xuống nhưng mấy ngày sau khớp sưng trở lại. Những trường hợp nặng, khớp gối bị biến dạng vẹo vào trong, mà nhiều người gọi là chân vòng kiềng. Người bệnh đi đứng, cầm nắm, bẻ cổ rất đau, phải dùng khung hoặc nẹp hỗ trợ.
Nguyên nhân thoái hóa khớp chủ yếu là do sự lão hóa của cơ thể theo tuổi tác, bên cạnh đó phải kể đến các tác nhân đáng chú ý khác như béo phì, các tư thế có hại cho khớp, chấn thương khớp…Khi bị thoái hóa khớp, người bệnh thấy đau nhức, cứng khớp, có tiếng lạo xạo khi cử động, khó vận động các khớp, teo cơ, sưng đau khớp, biến dạng khớp. Đau nhức là triệu chứng dễ nhận biết nhất của thoái hóa khớp. Những cơn đau âm ỉ, có thể thành cơn đau cấp khi người bệnh vận động ở tư thế tác động nhiều đến khớp. Ban đầu, tình trạng đau nhức chỉ xuất hiện khi vận động, hết sau khi nghỉ ngơi. Sau đó, đau nhức xương khớp có thể đau liên tục, đau nhiều khi vận động. Hiện tượng cứng khớp xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Người bệnh không thể cử động được các khớp bị đau, phải nghỉ ngơi khoảng 10 – 30 phút mới giảm dần. Nếu thoái hóa khớp đang ở giai đoạn nặng thì triệu chứng cứng khớp sẽ kéo dài dai dẳng hơn.
Điều trị thoái hóa khớp
Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp, biện pháp phổ biến là chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn hay siêu âm, xung điện… để giảm đau. Khi xuất hiện những cơn đau nhức, người bệnh cần được nghỉ ngơi, tránh để khớp phải hoạt động. Khi bị thoái hóa, người bệnh thường được bác sĩ kê thuốc kháng viêm, giãn cơ, giảm đau, bổ sung chondroitin, glucosamine, tiêm thuốc axit hyaluronic kết hợp tập phục hồi chức năng.
Theo các chuyên gia, khớp một khi đã thoái hóa thì khó phục hồi, vì vậy, để phòng bệnh, ngay từ lúc trẻ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, nên có chế độ luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, hạn chế vác nặng, làm các động tác gắng sức. Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý như bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất như protein, canxi, vitamin D, vitamin B. Để các chất dinh dưỡng và vi chất thấm vào cơ thể nên duy trì chế độ luyện tập, tránh bất động khớp, nếu không vận động khớp sẽ cứng, giảm tiết dịch, xơ hóa dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp, mất dần chức năng khớp. Các thuốc phòng và chữa thoái hóa khớp hiệu quả như glucosamine sulfate, chondroitin sulfate, diacerin, piascledine.
Với người cao tuổi, nếu muốn sử dụng thuốc Nam phòng trị thoái hóa khớp có thể lấy một nắm lá lốt tươi hoặc khô sắc với 2 bát nước đến khi cô cạn lại còn 1 bát thì chắt ra lấy nước uống. Uống sau khi ăn tối. Sử dụng liên tục, đều đặn khoảng 10 ngày sẽ thấy triệu chứng bệnh giảm. Cách khác, có thể lấy 100g hạt mè rang vàng thơm, sau đó giã nát, cho vào ngâm với 1 lít rượu trắng, sau 10 ngày có thể dùng được. Người bệnh chỉ cần uống 2 lần/ngày và 10ml/lần. Sau một thời gian, bệnh thoái hóa khớp sẽ thuyên giảm.