Giá bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước dưới 300.000đ

3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được cấp phép khẩn cấp để điều trị miễn phí cho người dân. Thuốc cũng được bán ở các cơ sở đăng ký với giá khoảng khoảng dưới 300.000đ/hộp.

Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Trường Sơn cho biết. Dự kiến trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ họp với 3 doanh nghiệp trên về quá trình cung ứng, sử dụng, chất lượng và giá cả

Theo đó, ngày 17/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có quyết định cấp số lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước.

Cụ thể gồm Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir của Công ty CP hóa-dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400mg của Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.

Theo các chuyên gia, việc có 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước được cấp giấy phép lưu hành trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc Covid-19 mức độ nhẹ và vừa có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị.

molnupiravir.jpeg
Giá bán thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 sản xuất trong nước dưới 300.000đ.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, về nguyên tắc, 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được cấp phép khẩn cấp để điều trị miễn phí cho người dân.

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến, ngoài phần điều trị miễn phí ở cơ sở, có thể cho bán tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc. Việc này nhằm để người dân khi là F0 có thể chủ động mua về điều trị tại nhà, theo đơn của bác sĩ kê.

Về công suất sản xuất của các đơn vị vừa được cấp phép sản xuất thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, các chuyên gia cho biết còn liên quan tới nguồn nguyên liệu, nhu cầu thị trường... Tuy nhiên, 1 trong 3 nhà sản xuất từ cuối tháng 12/2021 đã tiếp nhận 1 tuấn nguyên liệu để điều chế 4,75 triệu viên thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.

Về giá bán lẻ, được biết trong tuần tới các công ty sẽ kê khai về cơ cấu giá thành, cách tính giá tới Cục Quản lý dược. Đây là khâu quan trọng để thuốc có thể được tham gia đấu thầu vào cơ sở y tế.

Tuy nhiên theo nhiều thông tin từ công ty sản xuất thuốc thì dự kiến giá bán khoảng dưới 300.000đ/hộp, thậm chí có thể thấp hơn nếu sản xuất với số lượng lớn.

Theo Bộ Y tế, 3 loại thuốc sản xuất trong nước (có thành phần hoạt chất Molnupiravir) được chỉ định điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Về liều dùng, liều khuyến cáo cho người trưởng thành là uống 800mg Molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.

"Nên uống Molnupiravir sớm nhất có thể sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng" - phụ lục trong Quyết định cấp phép của Cục Quản lý Dược nêu rõ.

Nếu quên một liều trong vòng 10 giờ so với thời điểm cần sử dụng thuốc, bệnh nhân nên uống ngay khi có thể và tiếp tục uống theo chế độ liều thông thường

Nếu quá 10 giờ, bệnh nhân không nên uống lại liều đã quên mà cần uống liều kế tiếp theo lịch trình. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.

Về giới hạn sử dụng: Không được sử dụng Molnupiravir quá 5 ngày liên tiếp; không sử dụng Molnupiravir để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm; không sử dụng để điều trị khởi đầu cho bệnh nhân cần nhập viện do Covid-19 do chưa ghi nhận lợi ích của Molnupiravir khi khởi đầu sử dụng ở đối tượng này. Các bệnh nhân đã được sử dụng Molnupiravir trước khi nhập viện có thể tiếp tục sử dụng thuốc cho đủ liệu trình điều trị.

Về cách dùng: Dùng đường uống, có thể dùng cùng hoặc không cùng thức ăn; Nên uống nguyên viên thuốc với đủ lượng nước (khoảng 1 cốc nước).

Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều Molnupiravir theo tuổi.

Người bị suy thận, suy gan: Không cần điều chỉnh liều Molnupiravir ở người suy thận.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top