Gạch từ nhựa cách âm, không cháy

(khoahocdoisong.vn) - Octoplastic là dự án của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) phát triển mô hình "sản xuất gạch nhẹ từ vật liệu thải".

Theo Nguyễn Lê Nguyên Phương, thành viên nhóm nghiên cứu, quy trình sản xuất gạch nhẹ của nhóm trong phòng thí nghiệm gồm 3 công đoạn chính: Rửa, cắt hộp, ly nhựa và nghiền nhỏ theo dạng hạt; Cho xi-măng và nước vào cùng với hạt PS và trộn đều hỗn hợp; Đổ hỗn hợp vào khuôn và phơi khô hoặc sấy trong vòng 24 giờ. Quan trọng là tìm ra đúng tỷ lệ hạt nhựa và ximăng khi trộn vào hỗn hợp. Nhóm đã thử nghiệm và thất bại hơn 30 lần trong nhiều tháng. Không đúng tỷ lệ, gạch sẽ không thể đủ độ cứng, dễ vỡ. Qua nhiều lần thực hiện, nhóm đã tìm ra công thức tối ưu. Một viên gạch thành phẩm có thể tạo ra từ 500g nhựa PS, chiếm khoảng 50% khối lượng gạch, đồng nghĩa giảm từng ấy nhựa cho môi trường. Gạch đạt tiêu chuẩn mác bêtông M50 của Việt Nam (TCVN 1450:2009), khả năng cách nhiệt 90%, không bắt cháy ở điều kiện thường và khả năng cách âm khoảng 60 - 70%.

Tùy vào từng ứng dụng, gạch sẽ được định hình những dạng khác nhau như vuông, tròn, lục giác. Tỷ lệ nhựa trộn trong gạch cũng thay đổi tương ứng. Gạch có ưu điểm là nhẹ, giá rẻ, độ bền cao, thậm chí có thể tái chế được. Dự án Octoplastic được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực về tính thực tiễn và khả năng nhân rộng. Dự án cũng vừa giành được giải nhì cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa" do UNESCO tổ chức.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết, dự án không đơn thuần tái chế nhựa mà còn cả tro bay, bùn thải. Trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã kết hợp nhựa với tro bay hoặc bùn thải thay cho ximăng, tạo thành một hỗn hợp chất kết dính hiệu quả. Ngoài sản phẩm gạch nhẹ, nhóm nghiên cứu cũng đang xây dựng các tấm cách nhiệt, cách âm từ rác thải nhựa cho nhiều ứng dụng khác. 

Theo PGS.TS Lê Anh Thắng, giảng viên Khoa Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tuổi thọ của nó khá lâu, đến vài chục năm. Một ưu điểm khác khi sản phẩm xuống cấp thì hoàn toàn có thể tái chế. Nếu như làm tốt bài toán sản xuất thì giá thành chắc chắn sẽ rẻ hơn so với gạch, ngói hiện nay trên thị trường. 

Hiện nhóm cũng đã thực hiện khảo sát tại Hà Nội về tiềm năng sử dụng sản phẩm. Đặc biệt, với quy trình sản xuất đơn giản, nhiều hộ gia đình cũng có thể tự làm gạch nhẹ để xây dựng các công trình nhỏ mà không cần thiết bị phức tạp. Nhóm sẵn sàng hướng dẫn cách làm cụ thể, cung cấp công thức phối trộn chính xác cho từng mục đích sử dụng gạch trong xây dựng. 

Theo Đời sống
back to top