Flour làm răng trẻ hỏng nhanh hơn

(khoahocdoisong.vn) - Sự việc nhiều học sinh ở Cà Mau nhập viện sau khi súc miệng bằng nước flour để bảo vệ răng miệng vừa qua khiến chuyên gia hoảng hốt cảnh báo: Nên cấm trẻ em dùng flour vì răng trẻ có thể bị ăn mòn vĩnh viễn, hỏng nhanh hơn.

Dùng flour là quá lạc hậu

Ngày 11/1, Bệnh viện đa khoa huyện Trần Văn Thời xác nhận đã tiếp nhận điều trị cho nhiều học sinh tiểu học vì có triệu chứng nôn ói, ngất xỉu sau khi ngậm nước Fluor. Trong đó, có 17 em phải cấp cứu. Trước đó, Trường tiểu học Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) tổ chức cho các em học sinh súc miệng bằng dung dịch Fluor để phòng ngừa sâu răng. Sau khi súc miệng bằng dung dịch này, hầu hết các em học sinh có biểu hiện bị nôn ói, đau bụng,… Nguyên nhân được xác định là do giáo viên hướng dẫn quy trình cho học sinh tại trường Tiểu học 1 Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chưa đúng. Học sinh sau khi ngậm fluor phải súc miệng bằng nước sạch 3 - 4 lần, sau 30 phút mới được ăn uống. Tuy nhiên, nhiều em súc miệng lại bằng nước sạch chỉ 1 lần rồi ăn uống ngay sau đó. Do đó, các học sinh này đã bị tác dụng phụ của nước súc miệng.

PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Khoa học Vật liệu, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội bày tỏ lo lắng về chủ trương cho học sinh súc miệng bằng nước flour. Lý do bởi flour rất nhạy cảm, dễ gây ngộ độc. Flour chỉ tốt với những người có hàm răng hoàn toàn khỏe mạnh, không bị sâu răng, không bị xước men răng… Khi đó, flour sẽ tạo ra một lớp màng cứng bảo vệ men răng, giúp chống lại sự ăn mòn do vi khuẩn gây nên. Ngược lại, nếu ở răng có các vết xước, vết sâu răng… thì flour sẽ chui vào men răng, làm hỏng men răng, khiến răng nhanh hỏng hơn. Ngoài ra, flour còn là một hoạt chất rất nhạy cảm nếu dùng quá liều hoặc không đúng cách.

“Trên thế giới, nhiều nước đã cấm dùng flour trong kem đánh răng cho trẻ em. Bởi ngoài một số tác dụng nhất định thì flour cũng có rất nhiều tác hại như ngộ độc, gây hỏng răng, bào mòn răng. Nếu việc súc miệng bằng nước flour được áp dụng rộng rãi ở các trường thì phải xem lại chủ trương này. Bởi đây là cách làm sạch răng đã quá lỗi thời rồi. Ngày xưa, khi hiểu biết về flour chưa toàn diện thì người ta mới dùng flour, nhưng đến giờ thì flour lợi ít, hại nhiều. Ngay cả với người lớn, khi sử dụng flour làm sạch răng miệng cũng rất nguy hại. Do men răng của người lớn nhiều vết xước, sâu răng… sẽ làm răng bị ăn mòn rất nhanh”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Nên chọn kem đánh răng không có flour

PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, khi sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng, nên chọn sản phẩm không có flour để bảo vệ răng miệng. Ai cũng nghĩ đơn thuần theo quảng cáo trên tivi thì flour giúp răng miệng chắc khỏe hơn, nhưng về lại không hiểu hết về chúng. Bởi như tôi đã nói, nó chỉ tốt với một hàm răng không có một bệnh răng miệng nào. Còn với những người đã làm răng, bị sâu răng, sứt răng, rạn men răng, sử dụng flour để làm chắc răng sẽ chỉ đem lại hậu quả là răng bị mài mòn nhanh hơn. Ngoài ra, răng chúng ta cũng sẽ bị mài mòn bởi loại kem đánh răng chứa các hạt cứng. Nhà sản xuất cho vào với mục đích sẽ làm sạch răng một cách cơ học qua sự chà xát của các hạt này. Nhưng thực tế, sự mài mòn cơ học này cũng gây ra tác hại nhất định với men răng.

“Dân số Việt Nam có đến 90% bị mắc các bệnh răng miệng, việc sử dụng flour làm sạch răng là rất nguy hiểm đến sức khỏe của răng miệng nói chung. Người lớn bị các bệnh vệ răng miệng nghiêm trọng, nên sử dụng kem đánh răng dành cho trẻ em, thành phần không chứa flour mới bảo vệ răng miệng tốt được. Ngoài ra, cần lưu ý khi sử dụng đồ ăn, không quá nóng, không quá lạnh. Vệ sinh răng miệng đúng cách, không để thức ăn, cặn bám trên răng lâu gây ra các bệnh như sâu răng, mòn răng…”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Theo ông Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, để súc miệng làm sạch răng, tốt nhất là sử dụng nước trà xanh, vừa có tính năng diệt khuẩn, vừa chống sâu răng, chắc răng.

PGS.TS Phạm Văn Nho cảnh báo, các cơ quan chức năng nên ngừng việc sử dụng flour làm sạch răng cho trẻ, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra với sức khỏe răng miệng.

Theo Đời sống
back to top